Cách thủ đô chừng một dặm đường có một toà lâu đài tường dày, các chòi đều có lỗ châu mai và mái nhọn. Đó là một lâu đài cổ hùng vĩ.
Một gia đình quý phái và giàu có chỉ ở đấy vào mùa hè. Trong tất cả các tài sản của họ, lâu đài này được coi như ngọc trai, châu báu. Người ta vừa mới tu bổ phía ngoài lâu đài, trang hoàng và bài trí làm nó rực sáng lên một màu tươi tắn mới tinh. Phía trong lâu đài có đầy đủ tiện nghi, chẳng thiếu một thứ gì. Bên trên cửa lớn có trạm trổ huy hiệu của gia đình. Những tràng hoa hồng mỹ lệ đục vào đá cuốn lấy những con vật quái dị trên tấm gia huy.
Đằng trước lâu đài là một bãi cỏ rộng. Người ta thấy ở đấy mọc lên giữa thảm cỏ xanh những chùm hoa Sơn Trà màu đỏ, hoa Sơn Trà Tử màu trắng. Những luống hoa hiếm có không kể đến những thứ hoa đẹp tuyệt vời mọc trong nhà kính và chăm sóc rất chu đáo.
Gia đình quý phái ấy có một người làm vườn tuyệt khéo, cho nên đi dạo chơi vườn hoa, vườn rau và vườn cây ăn quả là một điều khá thú vị. Đằng đầu vườn cây hãy còn một mảnh vườn của thời xưa. Đó là những bụi cây hoang đường và cây thuỷ tùng xén thành hình kim tự tháp và hình vành khăn. Phía sau là hai cây cổ thụ lớn. Chúng già đến nỗi hầu như không còn lá nữa. Người ta có thể tưởng tượng là một cơn giông hay cơn gió lốc đã bốc từng đám bùn và phân chuồng rắc lên trên cây, nhưng đó chỉ là các tổ chim chiếm cứ gần hết các cành.
Không biết từ thuở nào, cả một đàn quạ khoang và quạ đen làm tổ ở đấy, tụ họp lại như một đô thị. Những con chim ấy đã sinh cơ lập nghiệp trước tất cả mọi người, nên chúng có thể tự cho là chúa tể nơi đó. Và thật thế, chúng tỏ vẻ rất khinh thường cái bọn người đã đến chiếm đất đai của chúng. Tuy nhiên, khi những vật hạ đẳng không biết bay ấy bắn vài phát súng ở vùng lân cận thì quạ khoang và quạ đen thấy ớn xương sống, chuồn thẳng cánh và la lên: “Rạc, rạc”.
Bác làm vườn luôn nói với chủ về những cây cổ thụ, bàn nên đẵn đi vì chúng làm khu vườn mất cân đối, hơn nữa còn có cái lợi là thoát được cái đám chim kêu như đấm vào tai ấy, buộc chúng phải đi làm tổ nơi khác. Ông bà chủ không chịu nghe lời bác, không muốn mất cây cũng chẳng muốn mất lũ quạ. Họ bảo: “Đó là di tích của thời xưa đáng kính, không nên huỷ hoại đi.” Họ nói thêm: “Lacxen thân mến, anh có thấy rằng những gốc cây này là gia tài của lũ chim không? Lấy đi là sai đấy!”
Chắc chắn bạn đọc đã nắm vững Lacxen là tên bác làm vườn. Nhà chủ nói tiếp:
– Dễ thường anh không có đủ chỗ để thi thố tài năng hay sao? Anh đã có cả một vườn hoa lớn, một nhà kính rộng và một vườn rau bát ngát. Anh cần thêm đất để làm gì?
Thực ra, không phải là bác thiếu đất. Bác đã cuốc xới đất rất khéo. Nhà chủ sẵn sàng công nhận điều đó. Tuy nhiên, họ cũng thường nói thẳng ra rằng thỉnh thoảng họ được trông thấy và được nếm ở các nhà khác những thứ hoa quả hơn hẳn hoa quả vườn nhà. Con người trung hậu ấy thấy buồn vì những nhận xét ấy, vì bác rất thạo nghề và đã làm tận lực, luôn luôn nghĩ đến việc làm vừa lòng nhà chủ.
Một hôm, người ta cho gọi bác lên phòng khách và dùng giọng hết sức dịu dàng và nhân từ bảo bác rằng người ta đã được ăn những quả lê táo thơm ngon tuyệt vời đến nỗi tất cả quan khách đều khen ngợi. Nhà chủ tiếp tục nói thêm:
– Những quả ấy chắc hẳn không phải là giống quả của nước ta, mà là của nước ngoài đem về đây trồng. Người ta bảo là mua ở hàng bán hoa quả lớn nhất trong thành phố. Anh hãy lấy ngựa và đến nhà hắn ta xem hắn kiếm được những quả ấy ở đâu. Ta sẽ xin cành của loại cây ấy về ghép, còn thì tuỳ ở sự khéo léo của anh tiếp tục nốt công việc.
Bác làm vườn vui vẻ trả lời:
– Bẩm quan, chính những hạt giống dưa ấy là của tôi cho bác ta.
Quan lớn bèn nói: Nếu vậy thì anh ta biết cách trồng đặc biệt vì ta chưa từng được ăn dưa ngon như thế bao giờ. Mỗi lần nghĩ đến là ta lại chảy nước miếng.
Bác làm vườn nói: Như thế lại càng làm cho tôi vinh hạnh thêm nữa. Xin trình bày để quan lớn biết rằng năm nay bác làm vườn của Hoàng thượng trồng dưa không được may mắn lắm. Mấy hôm gần đây bác ấy có đến chơi với tôi. Bác ấy trông thấy dưa của tôi đẹp, và sau khi nếm thử, bác ấy đã xin tôi gửi cho ba quả để mang về dâng Đức vua.
– Không phải, không phải, anh Lacxen trung hậu của ta ơi! Chớ có tưởng tượng rằng những quả dưa kỳ diệu mà chúng ta ăn tối qua là dưa vườn anh.
Lacxen trả lời: Tôi tin chắc chắn như vậy và tôi sẽ có bằng chứng mang về để trình quan lớn.
Bác đi tìm bác làm vườn của nhà vua và bảo bác ta cấp giấy chứng nhận những quả dưa ăn trong bữa tiệc tại triều đình hôm ấy đúng là những quả mọc trong vườn kính của chủ bác. Chủ bác ngạc nhiên không tả được. Họ chẳng giấu diếm gì chuyện ấy. Hơn nữa, ai muốn xem, họ đều phô tờ giấy chứng nhận cho xem.
Do đó người ta đến xin họ hạt giống dưa và cành giống các loại cây ăn quả rất đông. Các cây đem về đâu trồng cũng tốt, qủa mọc ra đều được khắp nơi gọi bằng tên của chủ nhân lâu đài, đến nỗi cái tên đó lừng danh sang tận Anh, tận Đức, tận Pháp. Có ai ngờ được đến như vậy?
Ông bà chủ của bác Lacxen bảo nhau: Cần nhất là lão làm vườn của chúng ta đừng tự đánh giá quá cao.
Nỗi lo ngại của họ không có căn cứ. Không những không kiêu hãnh vì đã được nổi tiếng mà không hề nghỉ ngơi, bác Lacxen lại hoạt động chăm chỉ hơn. Mỗi một năm bác lại cố gắng sáng tạo ra vài tác phẩm mới. Hầu như bác luôn luôn thành công. Nhưng bác vẫn còn phải nghe người ta nhắc đến luôn rằng chỉ có lê táo cái năm được mùa dạo nọ là những quả tốt nhất từ xưa đến nay. Dưa vẫn tiếp tục ra quả, những chẳng thơm bằng những quả dưa ra trong cung vua. Dẫu ăn ngon thật, nhưng cũng không ngon bằng dâu của bá tước Z. Và đến năm củ cải hỏng thì người ta chỉ nói đến mấy củ cải đáng ghét ấy thôi. Còn những loại rau khác tốt hoàn toàn thì không được lấy một câu khen ngợi. Hình như nhà chủ cảm thấy thực sự hả lòng khi được kêu lên: “Sao củ cải tồi quá thế! Ừ, đúng đấy, năm nay xấu trời, chả trồng được cái gì tốt cả”.
(Đọc tiếp phần 2 chuyện bác làm vườn và nhà chủ)