(Phần 1 truyện Bác làm vườn và nhà chủ)
Mỗi tuần, hai hoặc ba lần, bác làm vườn đem hoa lên trang hoàng phòng khách. Bác có nghệ thuật cắm hoa rất đặc biệt, bác khéo léo sắp xếp làm cho màu sắc hoa này tôn vẻ đẹp của hoa kia lên, làm cho hoa đẹp đến mê hồn. Nhà chủ bảo:
– Ngươi có con mắt thẩm mỹ khá đấy, Lacxen thân mến ạ! Thật đấy! Nhưng chớ quên đó là do Đức chúa trời ban cho người từ khi mới lọt lòng, chứ bản thân mình thì chẳng có gì đáng kể đâu.
Một hôm, bác làm vườn lên phòng khách, mang theo một bình hoa to, có cắm những lá cây khô tôn, ở giữa xoè ra một đoá hoa lớn màu xanh lam rực rỡ. Ông lớn thích thú reo lên:
– Thật là đẹp quá chừng! Trông cứ như một bông sen Ấn Độ ấy.
Ban ngày chủ bác để nó dưới nắng nom chói lọi hẳn lên. Đến tối họ dùng một ngọn đen pha để chiếu sáng cho nó. Người ta phô nó với tất cả mọi người, ai cũng ngắm nghía nó. Người ta tuyên bố rằng nó là một loại hoa hiếm có nhất, chưa từng thấy bao giờ. Ý kiến ấy lại là của một tiểu thư quý phái nhất trong nước. Nàng là công chúa con vua, đến thăm lâu đài. Ngoài ra nàng là người có tại trí và giàu tình cảm. Nhưng đối với địa vị của nàng thì đó chỉ là một chi tiết thừa. Ông lớn và bà lớn lấy làm vinh hạnh được biếu công chúa bông hoa kỳ diệu, bèn cho mang ngay bông hoa vào cung. Rồi họ ra vườn để kiếm bông khác cắm vào phòng khách. Họ đi khắp vườn, chui vào tận các xó xỉnh, nhưng vô hiệu. Ngay cả trong vườn kính cũng vậy, họ không tìm được một bông hoa nào như thế. Họ gọi bác làm vườn và hỏi bác lấy bông hoa màu lam đó ở đâu.
Bác Lacxen trả lời: Ông bà lớn không thấy nó là vì ông bà không tìm trong vườn rau. Không phải là một bông hoa đặc biệt gì đâu, nhưng tuy vậy nó cũng vẫn đẹp, đó chỉ là hoa rau Actisô thôi.
Ông bà lớn kêu lên: Trời đất ơi! Hoa rau Actisô ư? Nhưng đồ khốn, lẽ ra ngươi phải bảo ta ngay từ đầu. Công chúa sẽ nghĩ như thế nào? Chúng ta thật là mạn thượng đối với nàng. Thế là chúng ta mắc tội với triều đình rồi. Công chúa đã trông thấy cái hoa trong phòng khách nhà ta, nàng đã tưởng lầm rằng là một giống hoa hiếm có từ xa đưa về. Tuy nàng có giỏi về thực vật học, nhưng khoa học đâu có dạy về rau cỏ. Lacxen, ngươi nghĩ thế nào mà lại tống vào nhà ta một cái hoa quá tầm thường! Ngươi làm chúng ta trở thành láo xược lố lăng mất rồi!
Người ta kiềng không đặt lại vào phòng khách những bông hoa rau ấy nữa. Ông lớn và bà lớn chạy vội vào gặp công chúa để xin lỗi và trút tội lên đầu anh Lacxen đã có cái kiểu chơi lạ lùng và do đó đã bị một trận khiển trách nên thân. Công chúa trả lời:
– Như thế là sai lầm, bất công. Đúng thế! Hắn dã làm ta lưu ý đến một bông hoa tuyệt đẹp, mà ta không biết đánh giá cho đúng. Hắn đã làm cho ta tìm ra sức đẹp ở nơi mà ta không nghĩ đến. Thế mà các ngươi lại mắng hắn về việc ấy! Actisô ra hoa thì mỗi ngày ta yêu cầu hắn mang cho ta một bông vào cung!
Thế là xong. Về phía ngài của bác Lacxen, các vị vội vã bày lại bông hoa màu lam vào phòng khách và ở nơi trông thấy rõ ràng như lần trước. Họ nói:
– Ừ, hoa này đẹp thật, chẳng ai dám chối cãi điều đó. Thật kỳ lạ, một cái hoa rau Actisô!
Bác làm vườn được khen! Nhà chủ bảo nhau:
– Ồ! Cái mà hắn thích nhất là những lời khen ngợi, ca tụng, hắn cứ như đứa bé được nuông chiều ấy.
Một ngày thu, một trận mưa bão dẽ dội nổi lên; càng về đêm gió càng tăng cho đến sáng. Trên rìa rừng cả một hàng cây lớn đã bị nhổ bật rễ. Hai gốc cây đầy tổ chim cũng bị lật nhào. Người ta nghe đến tận sáng tiếng kêu thất thanh, tiếng rít chói ta của những con quạ hoảng sợ đến đập cả cánh vào cửa sổ. Nhà chủ nói:
– Lacxen! Thế là ngươi mãn nguyện nhé! Mấy cây cổ thụ đáng thương đã ngã ra kia rồi. Bây giờ chẳng còn vết tích gì của thời cổ nữa, tất cả đã bị phá huỷ hết, thật là vừa ý ngươi. Nhưng việc đó lại làm cho chúng ta buồn, thật thế đấy!
Bác làm vườn không trả lời, bác đã nghĩ ngay đến việc phải làm gì trên khoảnh đất mới đầy ánh nắng. Khi đổ xuống, hai cây to đã đè bẹp những bụi hoàng dương hình kim tự tháp, phải nhổ đi. Lacxen thay thế chúng bằng những loại cây con kiếm được trong rừng và ngoài đồng ruộng vùng ấy. Chưa có người làm vườn nào có sáng kiến ấy cả. Bác tập trung ở đấy cây đỗ tùng mọc ở đồi thạch thảo sứ Giuytlăng, giống hệt như cây trắc bá Ý-đại-lợi, cây ô rô quanh năm xanh tốt, những cây đuôi chồn giống như những cây dừa, những cây đuôi hổ trắng mà người ta dễ nhầm với những ngọn bạch lạp ở nhà thờ. Mặt vườn đầy những giống hoa đẹp của núi rừng và thảo nguyên nom thật đẹp mắt. Ở chỗ các cây cổ thụ mọc trước kia có dựng một cột cờ trên đó phất phới lá cờ của xứ Đanơbơrô, xung quanh cắm những con sào để cho các cây bốt bố leo lên vào mùa hè. Mùa đông đến ngày Nôen, theo phong tục cũ, bó lúa mạch được treo lên một ngọn sào để cho chim chóc cũng được phần ăn lễ. Chủ bác làm vườn nói:
– Cái lão Lacxen này về già lại trở nên đa sầu đa cảm, nhưng lão ta vẫn là người đầy tớ trung thành và tận tuỵ.
Gần tết nguyên đán, một từ hoạ báo của kinh đô đăng một bức hoạ toà lâu đài cổ. Người ta trông thấy trong bức hoạ cột cờ Đanơbơrô và bó lúa mạch treo trên ngọn một con sào. Và trong bài báo người ta nêu bật lên cái đáng xúc động nhất là phong tục cổ đã tụ họp được chim chóc của Thượng Đế về dự cuộc vui chung trong ngày lễ Nôen. Người ta đã khen ngợi những người đã làm sống lại cái phong tục ấy. Nhà chủ lại nói:
– Thực ra, cái gì mà lão Lacxen làm lập tức là người ta khen ngợi rùm beng ngay, hắn quả là có vận may. Chúng ta phải lấy làm hãnh diện nếu hắn vẫn bằng lòng làm cho chúng ta.
Đó cũng chỉ là một cách nói. Họ không hãnh diện chút nào và họ cũng không quên rằng họ là chủ. Nếu họ muốn, họ có thể đuổi bác làm vườn, làm bác có thể chết đi vì bác rất yêu quý cái vườn, vì thế họ không làm như vậy. Đó là những người chủ tốt đấy chứ? Nhưng nhân đức cái kiểu ấy thì cũng không đến nỗi hiếm lắm và thật may cho những người như bác Lacxen.
(Kết thúc câu truyện)