Giếng thì sâu nên dây kéo phải dài, để kéo được gầu nước lên đến miệng giếng thì xoay xở cũng thật khó khăn. Mặt trời chẳng thể rọi xuống lòng giếng để soi chiếu ánh sáng trên mặt nước được, tuy thế nước vẫn trong; và đám cây xanh xoay xở với ít ánh nắng hiếm hoi đó, vẫn lớn lên giữa những kẽ đá bên thành giếng.
Gia đình nhà cóc sống tận sâu dưới giếng. Chúng là những kẻ nhập cư, thực ra có một mụ cóc sau khi cắm đầu xuống giếng đã sinh con đẻ cái ở đấy. Những chú ếch xanh thì đã định cư ở đó lâu rồi, chúng bơi lội tung tăng trong nước, xem lũ cóc như họ hàng và gọi đám cóc đó là “khách của giếng”. Song những kẻ mới đến lại có ý định cư ngụ lâu dài; Chúng sống rất chi là dễ chịu trên vùng đất khô ráo, đấy là lũ cóc gọi những hòn đá ướt trong giếng như thế.
Ếch mẹ cũng từng một lần viễn du. Mụ nằm trong một cái gầu nước khi được kéo lên, nhưng ánh sáng trên đấy chói chang quá khiến mắt mụ bị đau. May mắn là Ếch mẹ đã nhảy ra khỏi cái gầu. Một cú “tiếp nước” thật khủng khiếp và sau đó mụ ta nằm bệt xờ lệt ba ngày liền với cái lưng đau dừ. Thật ra Ếch mẹ cũng chẳng kể gì nhiều về thế giới trên miệng giếng cả. Nhưng mụ ta cũng như mọi cư dân dưới đấy đều biết cái giếng không phải là cả thế giới. Còn Cóc mẹ cũng đã có thể kể điều này điều nọ ở cái thế giới bên ngoài, nhưng mụ lại chẳng bao giờ trả lời khi chúng hỏi, nên cũng chả ai thèm hỏi gì nữa.
– Mụ ta vừa đần độn, xấu xí vừa xù xì béo ú! – những chú ếch xanh nói – Mà lũ con nhà đấy cũng xấu khiếp đi được, mẹ nào con nấy!
– Có thể thế – Cóc mẹ trả lời – nhưng thể nào cũng có một bé cóc con ta có viên ngọc trong đầu, hoặc là viên ngọc ấy ở chính trong đầu ta.
Lũ ếch xanh trố lồi cả mắt ra nghe. Nhưng chúng không thích, mặt mũi khó chịu, và chúng lặn ùm xuống nước. Còn lũ cóc con lại duỗi hai chân sau với sự kiêu hãnh tràn trề; bởi con nào cũng tin mình đang có một viên ngọc trong đầu, vì thế chúng ngồi và giữ cái đầu mình yên lặng, nhưng cuối cùng chúng băn khoăn hỏi cóc mẹ cái gì đã làm cho chúng tự hào thế chứ, và viên ngọc đấy thật sự là cái gì mới được.
– Ồ đó là một thứ vô cùng quý giá và lộng lẫy không sao tả xiết! – Cóc mẹ nói – Đó là một thứ khi đeo vào thì làm cho người ta trở nên quý phái, và làm người khác bực bội. Nhưng thôi đừng có hỏi nữa, mẹ sẽ không trả lời đâu!
– Chắc là con chẳng có viên ngọc gì đó đâu – con cóc nhỏ nhất cất lời, trông nó xấu xí đến khiếp. – làm sao con lại có được cái thứ đẹp đẽ ấy chứ? Chả đẹp đẽ gì nếu mà cái của nợ đó làm người khác bực mình. Con thì chỉ ước lúc nào đấy lên khỏi cái giếng này để nhìn ra thế giới mà thôi. Trên ấy chắc là đẹp lắm!
– Tốt hơn là hãy ở yên đấy! – Cóc mẹ già dặn nói. – Chẳng đâu bằng nhà mình cả. Mà liệu hồn với cái gầu nước đấy, nó đập bẹp con không chừng; mà nếu con có không hề hấn khi chui vào đấy đi chăng nữa thì vẫn có thể bị ngã ra ngoài. Không phải ai cũng ngã một cú may mắn như mẹ đâu, chân tay chả gẫy giếc gì cơ thể lại bình an vô sự.
– Quạp!
Cóc bé kêu lên, cũng giống chúng ta tặc lưỡi “chậc” ấy.
Cóc bé thèm được leo lên miệng giếng để nhìn ra thế giới; nó ước gì lên được chỗ đám cây xanh trên ấy; sáng hôm sau khi cái gầu đầy nước, thật tình cờ dừng lại một lát trước tảng đá nó ngồi, con vật nhỏ bé run rẩy nhảy vào rồi chìm xuống làn nước trong gầu, nó được kéo lên miệng giếng.
Người ta đổ nước trong gầu ra và khi thấy cóc bé lão kêu ầm lên:
– Úi giời, quỷ tha ma bắt con chết tiệt! thứ quái quỷ nhất mà ta từng thấy!
Nói rồi bác ta lấy chân đi guốc gỗ đá vào cóc bé, mém tí thành cóc què, nhưng may mà thoát được nhờ nó chuồn vội vào bụi tầm ma đầy gai mọc quanh đấy. Nó nhìn đám thân tầm ma chi chít, rồi nó nhìn lên; ánh sáng mặt trời chiếu qua kẽ lá, nhìn thật là trong trẻo; đây đúng là thứ ánh sáng dành cho nó, cũng giống như ánh sáng dành cho con người chúng ta khi đi vào rừng, nơi tia nắng chiếu qua cành cây kẽ lá.
– Đáng yêu hơn hẳn dưới giếng. Mình ước được sống ở đây cả đời!
Cóc bé nói xong liền nằm ườn ra cả tiếng, mà có khi cả hai tiếng liền.
– Mà mình không biết thế giới ngoài kia có gì nhỉ? Mình đi cũng khá xa rồi, có khi mình nên đi xa hẳn khỏi cái giếng xem sao!.
Nói rồi nó ra sức bò thật nhanh đến tận đường cái, mặt trời chiếu lên mình nó và bụi phủ khắp cơ thể khi nó vượt qua đường lớn.
– Đây đúng là vùng đất khô ráo – Cóc bé nói; – Mình đã có bao nhiêu là thứ tốt lành; nó làm mình thích thú quá thể!
Giờ thì nó đến chỗ rãnh nước, hoa lưu ly mọc thành đám xinh xắn; gần đấy là hàng rào cây táo gai và bụi cây cơm cháy; còn đám hoa bìm bìm trắng thì leo tràn cả lên. Nơi này màu sắc rực rỡ; đây đó bướm bay tung tẩy dập dờn; Cóc bé lại nghĩ đó là bông hoa tự gẫy rụng để chiêm ngưỡng thế giới rõ ràng hơn; mà đấy rõ là việc hoàn toàn tự nhiên.
– Giá mình mà cũng lượn lờ được như thế nhỉ, – cóc bé nói. – Ái chà, thế mới thú chứ!
Nó ở bên cái rãnh nước đúng tám ngày tám đêm, và chả thèm ăn cái quái gì cả. Đến ngày thứ chín , nó nghĩ “giờ thì tiến lên thôi!” nhưng rồi nó có khám phá ra thứ gì đẹp đẽ hơn không nhỉ? Có khi lại thấy cóc bé nào khác, hoặc vài con ếch xanh không chừng. Đêm cuối cùng trôi qua cùng với âm thanh của anh em họ hàng lân cận đâu đây thoảng đưa trong làn gió.
– Đúng thật là đáng sống! ra khỏi cái giếng; nghỉ ngơi giữa đám tầm ma gai góc; phiêu lưu trên con đường bụi bặm, rồi lại thư thái trong cái rãnh đẫm nước! Nhưng vẫn sẽ tiến về phía trước xem nào! Đi tìm lũ ếch hoặc cóc bé nào đấy cái đã; không thể sống thiếu lũ ấy rồi; Thiên nhiên thôi thì sao mà đủ được!
Và rồi nó lại bước vào con đường phiêu diêu mới. Nó đến một cánh đồng, tiếp đấy là ao lớn xung quanh đám cói mọc dày, và nó nhảy thẳng vào đấy.
– Ở đây quá sức là ẩm ướt với đằng ấy đấy nhỉ? – Một con ếch hỏi – dù sao vẫn nhiệt liệt chào mừng ! Mà này đằng ấy là cô hay cậu đấy ? Thôi kệ đi, dù gì thì đằng ấy vẫn được chào đón ở đây.
Buổi tối, cóc ta được mời đến dự một buổi hòa nhạc, đấy là chương trình hòa nhạc gia đình; ai cũng nhiệt tình với giọng ca ai cũng hiểu “đấy là giọng gì rồi đấy”. Chẳng có ăn nhẹ, ăn giữa bữa chi hết cả, nhưng nước thì thoải mái, đầy cả ao mà, miễn phí, ai thích uống bao nhiêu chả được.
– Tôi phải tiếp tục chu du đây! – Cóc ta lên tiếng. Nó luôn khao khát một điều gì đó tốt đẹp hơn. Nó nhìn những tinh tú lấp lánh, các ngôi sao to trong sáng; nó nhìn mảnh trăng thượng huyền, rồi nó nhìn thấy rạng đông, mặt trời đang lên cao dần cao dần.
– Mình vẫn ở trong giếng, chẳng qua lại là một cái giếng to hơn mà thôi; Mình phải lên cao hơn nữa! Có một ham muốn khát khao luôn ám ảnh mình.
Và khi trăng rằm tròn trịa, cóc con tội nghiệp lại nghĩ, “mặt trăng kia là cái gầu, khi nó hạ xuống mình có thể nhảy vào và mình sẽ được lên cao tít trên đấy! Hay mặt trời là cái gầu lớn nhỉ ? to thật, trông mới rạng rỡ làm sao; nó có thể mang mình lên cao. Mình phải chờ cơ hội đến mới được! ồ, sao đầu mình lại sáng ngời lên thế nhỉ! Viên ngọc kia chắc cũng không thể rực rỡ như thế được! Nhưng mà mình đâu có viên ngọc ấy, và mình cũng chả kêu ca than thở. Không; mình sẽ lên cao đến nơi huy hoàng và toại nguyện! Mình thấy cũng tự tin, nhưng vẫn còn đôi chút e ngại cho cái bước nhảy sắp tới! Nhưng vẫn phải nhảy thôi! Tiến lên thôi! Thẳng tiến ra đường cái quan nào!”
Nó nhảy bước một, rồi nó cũng đã đến đường cái quan ở khu dân cư; Có cả vườn hoa lẫn vườn rau. Nó ngồi nghỉ gần bên vườn rau.
– Ở đây có biết bao thứ khác lạ mà mình chưa bao giờ biết! Thế giới thật là rộng lớn và kì diệu làm sao! Nhưng cũng phải đi cho biết đó biết đây, ngồi lỳ một chỗ biết ngày nào khôn”. Nghĩ thế nên cóc ta liền nhảy luôn vào trong vườn rau.
– Ở đây xanh mướt thế cơ chứ! đáng yêu quá
– Tất nhiên rồi! – sâu bướm ở trên chiếc lá nói. – Này lá của tôi là to nhất ở đây đấy! nó che cả nửa thế giới, nhưng tôi quan tâm đến thế giới làm quái gì chứ
Chợt có tiếng “Cục, cục”, và lũ gà thoăn thoắn tiến vào vườn rau. Ả gà mái đi đầu đàn mắt rất tinh, thấy ngay sâu bướm trên cái lá xoăn, nó liền mổ một cái, làm sâu bướm ta té nhào xuống đất rồi quằn quại vặn vẹo giãy dụa. Ả gà mái nhìn bằng một mắt, rồi nhìn bằng mắt kia, vì ả không biết cái đống đang vặn vẹo bò đi ấy là cái gì.
– Chắc chả có ý định hay ho gì đâu – gà mái nghĩ, ả ngửng đầu lên để chuẩn bị cúi xuống mổ con sâu. Cóc bé khiếp đảm, nó nhảy thẳng đến chỗ gà mái.
– Ái chà lại còn gọi đồng bọn ra giúp nữa kia đấy! – gà mái nói, – nhìn cái đồ bò lê bò toài này kìa.
Nói rồi ả quay người bỏ đi:
– Ta thèm vào cái mẩu bé tí xanh lè đấy, chả bỏ dính răng: Chỉ tổ ngứa họng mà thôi.
Lũ gà cũng đồng ý thế nên tất cả đều bỏ đi.
– Mình có bò vặn vẹo quằn quại tí nhưng lại tránh xa được mụ gà mái í! – Sâu bướm cất lời, – may là mình nhanh trí; nhưng vẫn đầy rẫy khó khăn, làm thế quái nào mà mình quay trở lại cái lá bắp cải được bây giờ. Mà cái lá ấy ở đâu rồi không biết?
Thấy thế cóc bé tiến đến bày tỏ cảm thương. Cóc ta đang khoái trá vì cái ngoại hình xấu xí kinh dị của nó làm cho lũ gà khiếp đảm.
– Cậu nói thế là sao? – Sâu bướm hỏi. – Ấy là tôi tự thoát ra khỏi đám gà đấy chứ. Mà trông cậu kinh thật đấy ! Giờ tôi còn không được yên thân trong nhà của mình nữa ư ? À mình đã ngửi thấy mùi bắp cải rồi, gần đến cái lá của mình rồi ! Đúng là không có gì đẹp đẽ bằng nhà của mình. Nhưng giờ mình phải leo lên cái đã.
– Đúng, phải lên cao! – Cóc bé nói, – Lên cao ! đó là cảm giác mình từng có, nhưng hôm nay tâm trạng sâu bướm không được vui cho lắm; chắc là do hoảng loạn sau khi ẩu đả. Chúng ta ai cũng có ước muốn được lên cao!
Nói rồi cóc ta ngước nhìn thật cao, thật cao.
Có chú cò ở trong cái tổ được làm trên nóc nông trang. Cò con đang ríu rít còn cò mẹ thì huyên thuyên.
– Họ sống trên cao thật đấy! – Cóc con nghĩ ; – phải chi mình cũng lên cao được.
Có hai chàng sinh viên trẻ sống trong căn nhà thôn quê ấy. Một chàng là thi sĩ, còn chàng kia là nhà tự nhiên học; một chàng thì vừa hát vừa hân hoan viết về những thứ tạo hóa đã sắp đặt, những điều cảm nhận từ trái tim; chàng cất tiếng hát với giai điệu trong sáng du dương. Trong khi anh chàng kia lại thích khám phá bản chất tự nhiên sự vật; luôn mổ xẻ sự vật nếu cần thiết; với chàng mọi vật mà tạo hóa đã sắp đặt tựa như một biểu thức lớn trong số học, cộng trừ nhân chia lẫn lộn, chàng muốn hiểu tường tận bản chất sự vật một cách toàn diện cả trong lẫn ngoài, rồi nói lên quan điểm của mình về vấn đề ấy ; và đấy luôn là những hiểu biết bác học , nhưng chàng rất say sưa khi được bàn luận về những vấn đề ấy một cách thông thái. Các chàng là những người tốt bụng vui vẻ.
– Con cóc đang ngồi đằng kia mà làm mẫu vật sẽ rất tốt đây – nhà tự nhiên học nói. – Tôi phải cho nó vào cồn thuốc mới được.
– Cậu đã có hai con rồi còn gì, – chàng nhà thơ nói, – cho nó ngồi yên tận hưởng cuộc sống của nó đi
– Nhưng nó đúng là tuyệt hảo xấu xí,
– Ừh, nếu mà chúng ta tìm được viên ngọc ở trong đầu nó thì tớ cũng sẽ giúp cậu bổ cái đầu nó ra, – nhà thơ trả lời.
– Ngọc á! – nhà tự nhiên học nói; – cậu cũng hiểu biết lịch sử tự nhiên đấy chứ!
– Nhưng chẳng phải là có những điều rất tốt đẹp trong niềm tin của dân gian, rằng con cóc, con xấu xí kinh khủng nhất trong các loài vật, trong đầu lại mang một viên ngọc quý báu nhất. Cũng tựa như con người còn gì ? Aesop đã có ngọc còn gì, cả Socrates nữa!
Cóc bé không còn nghe thấy gì nữa, thật ra nó cũng chả hiểu được đến một phần những gì nó được nghe. Hai người bạn bỏ đi, và cóc ta thoát khỏi kiếp làm tiêu bản.
– Hai cậu chàng kia nhắc đến viên ngọc!, – cóc nghĩ. – Tốt quá, mình chả có viên ngọc ấy, không thì mình đã rắc rối to.
Có tiếng ríu rít ở trên mái nhà. Cò bố đang diễn thuyết lên lớp cho gia đình mình, và lũ cò ngờ vực nhìn xuống hai chàng trai trẻ trong vườn rau.
– Con người là giống tự cao tự đại nhất trong muôn loài ! Cò bố nói. – Nghe thì thấy họ khua môi múa mép thế nào rồi đấy ! mà họ có ba hoa một cách tử tế được đâu. Họ ảo tưởng về sức mạnh của diễn văn và ngôn ngữ! nhưng đấy đúng là loại ngôn ngữ hiếm có! Họ cứ xê dịch thì ngôn từ lại trở thành vô nghĩa. Chẳng ai hiểu ai. Còn ngôn ngữ của loài cò thì chúng ta có thể nói trên khắp quả đất, từ Đan Mạch cho đến Ai cập. Mà nhé, loài người có bay được đâu ! Với họ bay có nghĩa là đi trên cái phát minh mà họ gọi là tàu hỏa, để rồi lâu lâu lại ngã gãy cổ. Èo, cứ nghĩ đến đấy là ta lại rùng hết cả mỏ lại ; thế giới này vẫn có thể tồn tại khi không có con người. Chúng ta có thể làm tất mà cóc cần đến họ. Chỉ cần giữ lại lũ giun đất và ếch nhái là đủ.
– Quả là một bài diễn thuyết hùng hồn! – cóc con bé bỏng nghĩ. – Đúng là một gã vĩ đại, mà gã ngồi mới cao làm sao,trước giờ mình chưa từng thấy ai ngồi cao thế cả ! Đã thế gã còn biết bơi nữa chứ!
Cóc ta hú hét ầm ĩ khi gã cò xòe rộng đôi cánh bay vút lên không trung.
Cò mẹ ở trong tổ bắt đầu kể về xứ xở Ai Cập, về dòng nước sông Nile, cả về lớp bùn tuyệt hảo chỉ có ở vùng đất xa xôi ấy thôi; những điều mới mẻ vừa nghe ấy đã làm cóc ta mê mẩn lắm lắm.
– Mình phải đến Ai Cập mới được, – Cóc bé nói – phải chi gã cò ấy mang mình đi theo, hoặc cò con nào đấy cũng được. Mình sẽ biết ơn họ lắm. Đúng rồi, mình tin là sẽ đến được Ai Cập vì mình quá là may mắn. Nếu mà có viên ngọc trong đầu cũng chả làm mình sướng bằng có những niềm vui, ước mơ và khát khao ấy.
Mà chính cóc bé có viên ngọc đó chứ còn gì. Đó chính là khát khao ham muốn là nỗ lực cố gắng không ngừng vươn tới, viên ngọc ấy lấp lánh trong đầu, rạng rỡ niềm vui, khát khao chiếu rọi.
Đột nhiên gã cò sà xuống. Nó đã nhìn thấy cóc bé trong đám cỏ và cúi xuống mổ con vật bé bỏng ấy chẳng dịu dàng tẹo nào. Mỏ gã kẹp chặt lại rồi bay lên, gió rít viu víu; không dễ chịu tí nào cả, nhưng nó đang bay trên cao, mục tiêu hướng về Ai Cập, cóc ta biết điều đó; mắt nó lấp lánh, tinh quang rạng ngời.
– Quạp! oạp!
Cóc bé đã bị giết chết, chỉ còn là cái xác không hồn. Nhưng một thoáng tinh quang từ đôi mắt của cóc bé đã trở thành gì nhỉ ?
Ánh nắng đã đón lấy tia sáng ấy; và nắng đã mang viên ngọc từ đầu của cóc bé đi rồi. Nhưng đi đâu về đâu cơ chứ ?
Bạn đừng hỏi nhà tự nhiên học nhé, hỏi nhà thơ thì hơn; Chàng ấy sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện; một câu chuyện có sâu bướm, có gia đình nhà cò. Tưởng tượng nhé! Sâu bướm đã hóa thân trở thành một chú bướm xinh đẹp! Gia đình nhà cò bay qua núi cao, qua biển sâu, đến Châu Phi xa xôi, và rồi vẫn tìm được con đường ngắn nhất trở lại Đan Mạch, đến vùng đất cũ, và trở lại mái nhà xưa. Nghe như là một câu chuyện cổ tích ấy nhỉ, nhưng đấy đúng là sự thật hiện tiền bạn ạ! Bạn cứ hỏi nhà nghiên cứu tự nhiên mà xem; chàng ta sẽ thừa nhận điều này. Còn bạn cũng đã biết rồi đấy, bạn đã chứng kiến câu chuyện này rồi còn gì.
Thế viên ngọc trong đầu cóc bé thì sao nhỉ?
Thử tìm trong mặt trời xem sao, biết đâu bạn lại thấy.
Ánh sáng chói chang huy hoàng. Mắt của chúng ta vẫn chưa thể nhìn thấy được những vầng hào quang mà Chúa trời đã tạo ra, nhưng một ngày nào đó chúng ta sẽ thấy,
Và đó là câu chuyện tuyệt đẹp mà chúng ta đều được dự phần.