Nguyễn Mại là người xã Ninh Xá huyện Chí Linh, nay là thôn Ninh Quang xã Nhân Huệ huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương. Sinh năm 1655, năm 37 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) khoa Tân Mùi niên hiệu Chính Hòa thứ 12 (1691) đời Lê Hy Tông.
Lúc đầu Nguyễn Mại làm quan ở bộ Lễ, sau được thăng chức Tả thị lang của bộ này. Được cử đi sứ nhà Minh, rồi làm Đốc trấn Cao Bằng, sau đổi về Đốc trấn Sơn Tây, cho đến cuối đời.
Ông mất năm 1720, thọ 66 tuổi, được truy tặng chức Lễ bộ Thượng thư, tước Quận công (đời Lê Dụ Tông).
Trong cuộc đời làm quan, Nguyễn Mại gắn bó nhiều năm với mảnh đất xứ Đoài (tức Sơn Tây). Ông được giới quan trường đương thời ca ngợi là vị quan thanh liêm, chính trực, xét xử các việc công minh. Còn trong dân gian xứ Đoài thì truyền tụng ông là Bao Công của đất Việt, bởi sự sâu sát, gần gũi với dân và tài xét đoán các việc như “thần”. Vì thế, xung quanh ông đã nảy sinh ra nhiều câu chuyện vừa thực lại vừa huyền bí.
Dưới đây chúng tôi xin lược thuật một vài vụ xử án của ông.
*
* *
Vụ thứ nhất. Một hôm quan Đốc trấn có việc đi qua làng Đông Ngạc (ở Từ Liêm) chợt nghe thấy người đàn bà đang lớn tiếng chửi mất trộm chuối. Ông nhăn trán cau mày bởi những lời lẽ khó nghe, nhưng lại chợt nghĩ, lý dịch xưa nay không thấy ai để ý đến việc điều tra xét xử tội ăn cắp vặt, cho nên trong dân chúng, tệ nạn này mới có cơ hoành hành.
Nghĩ đoạn, ông tìm đến tận nơi hỏi han người đàn bà và tận mắt chứng kiến buồng chuối vừa mới chặt xong. Lập tức, ông cho gọi lý trưởng đến, bắt phải tập trung tất cả tráng đinh để vét bùn ao ở trước sân đình.
Trong khi mọi người đang hì hục làm, thì ông bảo lý trưởng đi mua trầu cau, để phát đủ cho mỗi người một miếng, ăn lúc tạm nghỉ. Khi trầu cau mang về, ông bảo mọi người rửa tay, lên sân đình ngồi nghỉ. Trong một bàn tay chìa ra nhận trầu, ông nhận thấy có vết chàm, liền ra lệnh bắt ngay người đó. Quả nhiên đó là kẻ ăn trộm chuối, vì vết chàm chính là do nhựa chuối trên tay, ngâm xuống bùn mà thành, nên dẫu có rửa cũng không sạch ngay được. Sau đó, qua một vài câu xét hỏi, người này đành phải cúi đầu thú nhận và chịu nộp phạt trước dân làng.
Vụ thứ hai. Vào thời ấy, để đảm bảo sản xuất, triều đình đã ra lệnh các nơi không được tùy ý giết trâu. Nếu ai có trâu què hay gầy yếu không cày bừa được thì phải trình báo lên huyện, rồi khi giết thịt xong, lại phải mang đầu trâu lên trình lần nữa, để làm bằng.
Tuy thế, trong dân gian thường hay xảy ra những chuyện xích mích, và đôi khi người ta hại nhau bằng cách ngầm giết trâu của nhau, rồi lại đi trình báo với quan. Cho nên, trong trường hợp ấy, nếu quan xét xử chiếu lệ thì dễ gây ra chuyện “tình ngay lý gian” – người bị hại bị xử oan, còn kẻ gây hại lại nhởn nhơ ở ngoài vòng pháp luật.
Một hôm, quan Đốc trấn đang làm việc trên công đường thì có một lão nông từ huyện Tam Đái đến, trình báo về việc nhà ông ta có con trâu bị kẻ gian cắt đứt lưỡi mà chết. Nguyễn Mại sau khi lắng nghe, lại hỏi han thêm các việc có liên quan, nhận thấy đây là người làm ăn chất phác, cơ nghiệp trông cậy vào mỗi con trâu và dăm sào ruộng, nên không thể có chuyện tuỳ tiện giết trâu được. Nghĩ đoạn, ông bảo người này ra về cứ mổ trâu ăn thịt và đem bán, chứ không phải trình báo lại cho quan huyện biết nữa. Sau đó ông cũng không cho thuộc hạ đi điều tra thêm về việc này. Chủ định của ông là để đánh lạc hướng kẻ gian…
Quả nhiên, chỉ mấy ngày sau, ông nhận được công văn của quan huyện Tam Đái trình lên, trong đó có kèm lá đơn tố cáo về tội “tùy ý giết trâu mà không trình báo” của một người cùng làng với người có con trâu bị cắt lưỡi.
Lập tức, ông phái lính về tận làng này bắt ngay nguyên đơn (tức kẻ đi tố cáo) về công đường xét hỏi. Chỉ sau vài câu phủ đầu, tên này đã phải khai có họ hàng với quan huyện Tam Đái và chính y là thủ phạm đã cắt lưỡi trâu. Ông phạt tên này rất nặng, vừa để răn đe chung, nhưng cũng ngầm ý cảnh cáo viên quan huyện nọ.
Vụ thứ ba. Một hôm Nguyễn Mại ăn mặc thường dân, đi ra chợ Sơn Tây. Lúc ấy chợ đang đông, lại có đám cãi nhau to gây ra cảnh huyên náo, nên ông đến gần. Ông thấy “đương sự” là hai người đàn bà đang giằng co tranh nhau một tấm lụa. Trước mặt đám đông, cả hai đều lớn tiếng nhận là lụa của mình và đổ cho người kia ăn cắp, làm cho những người chứng kiến đều phải lắc đầu…
Nguyễn Mại tiến vào giữa họ, xưng là quan Đốc trấn và nhận đứng ra phân giải. Ngay lập tức, ông bảo căng tấm lụa ra, rồi gập đôi, xé làm hai mảnh. Ông bảo mỗi người nhận lấy một mảnh mang đi, coi như xử hòa.
Một người nhận lụa xong liền thấy vui vẻ ra đi ngay, còn người kia tay ôm mảnh lụa nhưng vẫn ngồi lại, vật vã kêu khóc. Đến lúc ấy, quan Đốc trấn liền sai người đuổi theo, bắt lấy người đàn bà vừa đi khỏi ấy. Ông bắt người này phải trả lại nửa tấm lụa cho người kia, rồi sai người dẫn mụ ta về trại giam. Chỉ sau nửa ngày bị giam giữ và chỉ cần xét hỏi qua, mụ đã phải thú nhận tội lỗi của mình.
Vụ thứ tư. Một lần ở trong ngôi chùa lớn vùng Sơn Tây, khi các tăng ni về tụ hội rất đông, lại xảy ra một vụ mất trộm. Nhà sư trụ trì liền phái người đến dinh quan Đốc trấn trình báo và xin phân xử giúp. Không chậm trễ, Nguyễn Mại đến tận nơi xem xét và thấy vật bị mất là một tấm “lăng là” mà chỉ những người trong giới tu hành mới cần dùng đến, hơn nữa, vật cũng chỉ mất khi các tăng ni đến đây đông, nên không thể có kẻ gian là người ngoài giới tu hành, lọt vào. Nghĩ đoạn, ông liền cho tập hợp tất cả đám tăng ni lại, bảo họ trồng cây phướn lớn và đốt hương, sau đó, ông phát cho mỗi người một viên tràng hạt, dặn rằng: “Đây là tràng hạt lấy từ đền Sòng lại đã được niệm “chú”, nên nếu ai để rơi mất, ắt sẽ bị liên lụy đến tính mạng”, rồi bảo họ đi vòng quanh cây phướn và lò hương, vừa đi vừa tụng kinh và giữ lấy viên tràng hạt. Bản thân ông thì đứng ở thềm chùa, tay chắp miệng lẩm bẩm như thể đang tụng kinh, nhưng mắt lại chú ý quan sát đám tăng ni đang dạo quanh cây phướn. Ông nhận thấy một ni cô cứ thỉnh thoảng lại giở viên tràng hạt ra xem, và cử chỉ có phần như dấu diếm. Lập tức, ông bảo mọi người dừng cả lại, rồi ra lệnh bắt ni cô kia. Sau khi ông trực tiếp xét hỏi, người ấy đã thú nhận lấy trộm tấm lăng là.
Vụ thứ năm. Có người nhà giầu ở huyện Từ Liêm bị mất của, đến kêu cầu ở đền thờ Lý Ông Trọng (tức Đức Thánh Chèm), nhưng khi người ấy vào đền, lại thấy chiếc áo gấm của mình đang vắt trên ngai thờ Đức Thánh. Ông ta vội vã về nhà, làm đơn trình lên quan Đốc trấn, nhờ tra xét giúp.
Nguyễn Mại đến tận nơi xem xét, rồi đặt lễ đốt hương khấn rằng: “Xin Thượng thần hãy cho trói tay tên ăn trộm lại, để hắn khỏi làm ô uế tới chốn linh thiêng”. Sau đó, ông trở về tư dinh, thản nhiên như không xảy ra chuyện gì. Thế nhưng, chỉ vài giờ sau, đã có người đến báo: có kẻ hai tay bị trói đang đứng trước đền Đức Thánh thật. Lập tức, ông sai lính đến, dẫn giải kẻ ấy về công đường. Quả nhiên, đó chính là tên ăn trộm của, bởi vì trước khi đi ăn trộm hắn đã vào đền Đức Thánh khấn rằng: “Chuyến này nếu kiếm được, xin lấy một vật quí giá nhất để dâng lên Ngài”. Chiếc áo gấm của người nhà giầu đó chính là lễ vật của tên trộm, nhưng do bị ám ảnh bởi lời khấn của quan Đốc trấn, nên hắn phải tự trói tay ra đầu thú.
*
* *
Nguyễn Mại có cái uy của một vị quan xử kiện, nhưng mặt khác, ông cũng rất am hiểu “tâm lý học tội phạm”, và chính điều ấy, khiến cho giới tội phạm cũng phải “khẩu phục, tâm phục”. Khi ông còn làm Đốc trấn Cao Bằng, thì thường có giặc cướp từ Quảng Tây tràn sang. Nhận thấy đây chỉ là bọn trộm cắp vặt chứ không phải bọn muốn chiếm đất trấn giữ lâu dài, nên ông bố trí lực lượng bắt gọn bọn này. Cả ba lần bắt xong, ông đều phủ dụ rồi thả cho chúng về, không đánh đập cũng không sức giấy sang Quảng Tây nhờ trừng trị giúp. Quả nhiên, bọn cướp đã biết hối cải, không dám sang cướp lần thứ tư nữa.
Còn khi đang làm Đốc trấn ở Sơn Tây, thì một hôm công sở của ông chẳng may bị cháy. Trại giam của bọn trộm cướp xứ Đoài cũng ở ngay gần đấy. Không ngần ngại, ông hạ lệnh thả họ ra, rồi nhờ họ cứu cho đám cháy. Khi đám cháy được dập tắt, các phạm nhân lại bảo nhau trở về trại giam để chờ quan Đốc trấn xét hỏi, chứ không một ai nhân đấy mà chạy trốn.
(Đón xem: Truyền thuyết về hồ gươm, rùa “thần” và thanh kiếm “thuận thiên”)
*
* *
Nguyễn Mại có hai con trai đầu đẻ sinh đôi, năm 16 tuổi đều đỗ Hương cống, nhưng chẳng may mắc phải nạn dịch, nên cả hai đều bị chết. Ông rất đau buồn nhưng không vì thế mà sao lãng công việc, giữ gìn gia phong, xét xử các vụ án công minh. Ông mất khi đang tại chức. Người con trai thứ ba đưa linh cữu cha về an táng tại quê nhà. Khoảng hơn mười năm sau, khi ấy là cuối thời Lê Ý Tông – Trịnh Giang, “hoạn quan Hiệp quận công Hoàng Công Phụ lộng quyền, chính trị trong triều rối ren, thiên hạ nhiễu loạn” (theo Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. KHXH, trang 214), hai người cháu nội của ông là Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển cùng nông dân vùng Chí Linh – Hải Dương khởi nghĩa chống lại triều đình, rồi xưng là Minh công, chiếm cứ cả một vùng rộng lớn xứ Đông.
Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang, chỉnh đốn lại chính sự, rồi cất quân đánh dẹp cuộc khởi nghĩa, bắt được Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển đem chém. Mồ mả của ba đời hai vị (trong đó có mồ mả Nguyễn Mại) cũng bị đào bới, lấy xương cốt ném xuống sông.
Đó là sự đàn áp và trả thù dã man của Chúa Trịnh, nhưng vẫn không dẹp yên được cuộc khởi nghĩa. Nguyễn Hữu Cầu – một vị tướng tài ba của Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển, vẫn tiếp tục sự nghiệp, đánh nhau với quan quân triều đình tới hơn mười năm nữa.
Vì có hai người cháu cầm đầu cuộc khởi nghĩa như thế, nên dưới con mắt của các sử quan thời phong kiến, sự nghiệp của Nguyễn Mại đã không được ghi chép và đánh giá đúng mức. Không những thế, những người theo quan điểm “bảo hoàng”, “chính thống” còn đặt ra những câu chuyện huyễn hoặc để bôi nhọ thanh danh của ông. Chẳng hạn như nói ông xử án vô tình đến nỗi khi xuống âm phủ (qua thuật “đánh đồng thiếp”) gặp con mà con cũng không muốn nhận, hoặc do mồ mả nhà ông đáng lẽ phải táng sấp, nhưng đến đời con ông lại cho như thế là sái bèn đào lên, táng ngửa. Vì vậy mới sinh ra “làm phản” (tức khởi nghĩa) v.v…
Còn đối với chúng ta ngày nay, sự nghiệp của Nguyễn Mại, cũng như sự nghiệp hai người cháu của ông, xứng đáng được biểu dương, ca ngợi. Đó cũng là sự tiếp nối quan niệm của dân gian và các nhà nho bình dân khi truyền tụng, ghi chép, lưu giữ lại những mẩu chuyện xử án kể trên. Và nếu như các sử quan phong kiến trước kia chỉ nhìn thấy ở Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển sự “phản nghịch”, thì đối với chúng ta, lại thấy: chính vì kế thừa được truyền thống thẳng thắn, cương nghị và gần dân của người ông, nên hai người cháu mới đứng lên phất cờ khởi nghĩa, tìm lại lẽ công bằng cho những người nông dân cùng khổ của thời ấy.