Câu truyện kể về một làng kia có hai người trùng tên nhau và cùng lấy tên là Claus. Nhưng có một người có bốn con ngựa, còn người kia chỉ có độc nhất một con thôi. Bởi thế, muốn phân biệt rõ hai người, dân làng gọi người có bốn con ngựa là Claus Lớn, và người có một con ngựa là Claus Nhỏ. Bây giờ chúng ta sắp sửa xem chuyện gì đã xảy đến với họ, vì đây là một chuyện có thật.Suốt cả tuần Claus Nhỏ phải cảy ruộng cho Claus Lớn và cho hắn mượn con ngựa độc nhất của mình. Claus Lớn cũng đem bốn con ngựa của mình đến làm giúp Claus Nhỏ, nhưng mỗi tuần có một lần, lại vào ngày chủ nhật. Gớm chưa kìa! Claus Nhỏ ra roi quất năm con ngựa nom hách tợn! Hôm ấy, năm con ngựa cứ như là của nhà anh thật ấy! Nắng lên phơi phới, chuông nhà thờ giục giã mọi người đi lễ. Dân sư giảng đạo. Họ nhìn anh Claus Nhỏ cày ruộng. Anh chàng khoái quá, vung roi mà thét: “Đi nào! Năm con ngựa của ta, đi nào!” Claus Lớn bảo:
– Không được nói thế, chỉ có một con là của mày thôi!
Nhưng cứ mỗi lần có người đi lễ qua, Claus Nhỏ lại quên ngay lời cấm đoán ấy và lại phóng ra một câu: “Đi nào! Năm con ngựa của ta!”
Claus Lớn doạ:
– Này, đừng có nói thế nữa. Nếu tao còn nghe thấy mày nhắc lại lần nữa, tao sẽ đập mày chết tươi tại chỗ đấy!
Claus Nhỏ đáp:
– Tôi sẽ không nói thế nữa!
Nhưng vì lại có người đi qua và gật đầu chào anh, Claus Nhỏ khoái quá, cứ chắc mẩm là mình cày ruộng với năm con ngựa hẳn là oai lắm, nên lại quất roi mà thét: “Đi nào! Năm con ngựa của ta, đi nào!”
– Ta sẽ cho ngựa mày “đi nào”! – Claus Lớn nói rồi lấy vồ phang cho con ngựa của Claus Nhỏ một cái vào đầu làm nó lăn quay ra chết, không kịp ngáp.
– Thôi! Thôi! Thế là ngựa tôi đi đứt rồi! – Claus Nhỏ than vãn rồi khóc.
Sau đó, anh lột da ngựa, đem phơi khô rồi nhét vào một cái túi, khoác lên lưng, đem vào trong làng bán. Đường rất xa, lại phải qua một cánh rừng âm u, bát ngát. Thời tiết bỗng trở nên xấu một cách ghê gớm. Anh lạc lối, tìm ra đường thì mặt trời đã lặn, thành ra vào đến làng hoặc về nhà cũng đều bị tối dọc đường. Ngay cạnh đường có một cái trại khá đẹp, cửa đóng kín mít, nhưng vẫn có ánh sáng lọt qua các khe.
“Nơi đây chắc hẳn người ta có thể cho mình ngủ đỡ đêm nay.” Nghĩ vậy, Claus Nhỏ đến gõ cửa.
Bà chủ nhà ra mở cửa, nhưng khi biết ý định của anh, bà bèn từ chối, vì ông chồng đi vắng, bà không thể cho người lạ vào trong nhà được. Claus Nhỏ nói: “Thế thì tôi ngủ ngoài này vậy.” Bà chủ đóng sập ngay cửa lại. Ngay gần đấy có một cái đống rơm to. Từ nhà ra đến đống rơm lại có một cái kho nữa, mái lợp rạ. Trông thấy cái mái, Claus Nhỏ tự nhủ: – Ngủ trên ấy được đấy, giường ấy mà nằm thì thật là khoái.
Có một con cò đang đậu trên nóc. Nó làm tổ ở đấy. Claus Nhỏ leo lên mái nhà kho, loay hoay tìm chỗ nằm cho tốt. Cánh cửa chớp phía bên trên nhà mụ chủ để ngỏ nên anh có thể nhìn thẳng vào bên trong. Trên bàn ăn có bày rượu vang, thịt quay và cả một con cá ngon lành. Chỉ có mụ chủ nhà và lão giữ đồ thánh nhà thờ xứ đang chè chén với nhau. Mụ ta rót rượu cho ông khách. Lão sắp ăn đến món cá, món mà lão thích nhất. Claus Nhỏ vừa nghển đầu về phía cửa sổ vừa nghĩ bụng: “Giá mình được một phần cỗ ấy mà chén nhỉ?” Trời! Lại cái bánh ngọt kia mới tuyệt chứ! Thật là một bữa tiệc! Nhưng có tiếng vó ngựa lộp cộp trên đường cái về gần đến nhà kia rồi. Ông chủ trại đã về đến nơi.
Thực ra, ông ta là người tốt, nhưng mắc một thói kỳ quặc: Chả là hồi bé, ông bị một lão giữ đồ thánh nện cho một trận, nên hễ cứ gặp hạng người ấy là ông lại điên ruột lên, không chịu được. Cũng vì thế, khi biết ông đi vắng, lão giữ đồ thánh mới dám đến nhà chơi với vợ ông. Và bà chủ trại quý hoá cố thu xếp một bữa thật thịnh soạn để thết đãi hắn. Nghe tiếng người chồng về, họ rất sợ hãi. Bà chủ mời ông khách chui vào nấp trong một cái hòm to bỏ không ở xó nhà. Lão vội vàng làm theo ngay, vì lão rất biết tính ông chủ trại giời đánh ấy rồi. Còn bà chủ trại thì giấu vội thức ăn và rượu vào bếp lò, sợ đức ông chồng trông thấy sẽ hỏi vặn. Claus Nhỏ nằm tít trên mái nhà kho, thấy bữa cơm biến mất, thở dài than rằng: “Rõ hoài của.”
– Ai ở trên kia đấy? – Ông chủ trại vừa hỏi vừa ngước mắt về phía Claus Nhỏ – Sao lại nằm trên ấy? Vào trong nhà với tôi có hơn không?
– Lúc đó, Claus Nhỏ mới lể cho ông nghe rằng mình lạc trong rừng và xin ngủ nhờ một đêm.
Ông ta bảo:
– Được lắm chứ! Nhưng bây giờ, trước hết hai chúng mình phải làm miếng gì cái đã!
Bà chủ trại niềm nở đón tiếp cả hai người. Bà dọn một cái bàn dài và bưng ra một ây xúp lớn cho họ ăn. Ông chủ trại đói bụng nên ăn ngon lành lắm. Nhưng Claus Nhỏ không thể cầm lòng nghĩ đến những món thịt quay, cá và bánh ngọt ngon tuyệt mà anh biết hiện đang nằm trong lò.
Anh đã đặt cái túi đựng tấm da ngựa cạnh chân mình, dưới gầm bàn. Các bạn hẳn còn nhớ là anh chàng định đem tấm da ngựa đến một làng nào đó để bán. Món xúp đối với anh thật vô vị. Anh đạp lên cái túi: “Suỵt!” Nhưng đồng thời anh lại dận mạnh hơn nữa vào tấm da làm cho tấm da càng kêu răng rắc to hơn.
Ông chủ trại liền hỏi:
– Mà này, anh có cái gì trong túi thế?
Claus Nhỏ đáp:
– Một lão phù thuỷ ấy mà! Lão bảo rằng chúng ta không nên ăn xúp vì lão đã hoá phép đầy một lò thịt quay, cá và bánh ngọt trong kia kìa!
– Thật không? Ông chủ trại vội mở lò, trông thấy các món ăn bà vợ đã giấu vào đấy, nhưng cứ tưởng là của lão phù thuỷ trong túi hoá phép ra. Bà vợ không dám nói gì, bưng ngay ra bàn ăn và cả hai người cùng nhau đánh chén.
Bỗng Claus Nhỏ lại đạp túi, tấm da lại kêu. Ông chủ bèn hỏi:
– Lần này lão ta bảo gì thế?
Claus Nhỏ đáp:
– Lần này lão đã hoá phép đem đến cho chúng ta ba chai rượu vang để dưới lò kia kìa!
Bà chủ trại đành phải đem rượu vang đã giấu lúc nãy ra, ông chồng rượu vào đâm ra vui vẻ tợn. Ông ta rất muốn có một tay phù thủy như cái lão trong túi của Claus Nhỏ, bèn hỏi:
– Lão phù thuỷ có gọi được ma đến không nhỉ? Hôm nay vui quá nên tôi cũng muốn gặp ma quỷ, thử xem chúng nó ra làm sao.
– Được, tôi ước gì lão phù thuỷ cũng làm được. Có đúng không lão ơi? – Miệng nói, chân Claus Nhỏ đạp vào túi kêu đánh rắc một cái.
– Ông có nghe thấy lão vâng đấy không? Nhưng ma quỷ xấu lắm, chả bõ xem đâu.
– Ồ, tôi có phải là thằng nhát đâu! Mặt mũi nó ra làm sao nào?
– À, nó muốn hiện hình thành người giữ đồ thánh!
– Hừ, thế thì quả là gớm ghiếc thật! Cần phải nói để ánh biết: tôi mà trông thấy mặt lão giữ đồ thánh thì tôi không thể chịu được, nhưng nếu là ma quỷ hiện hình thì tôi cũng nén giận được. Lúc này tôi chẳng sợ đâu, miễn là đừng có lại gần quá.
– Để tôi hỏi lão phù thủy của tôi cái này đã.
Nói rồi Claus Nhỏ dận chân lên túi, ghé tai nghe.
– Hắn bảo gì thế?
– Hắn bảo ông cứ ra mở cái hòm ở đằng góc kia kìa, con ma núp trong ấy đấy, nhưng phải giữ nắp cho chắc, kẻo nó chuồn mất đấy.
– Anh giúp tôi một tay nhé!
Nói rồi ông chủ đi đến cái hòm, trong đó có người giữ đồ thánh mà bà vợ đã giấu ban nãy. Hắn đang ngồi xổm, run như cầy sấy. Ông chủ trại ghé nắp hòm nhìn vào trong.
– Ối! – Ông ta kêu lên và nhảy lùi về phía sau.
Đúng, nom rõ lắm! Khiếp! Giống hệt lão giữ đồ thánh làng ta. Gớm! Tởm quá đi mất! Họ lại tiếp tục chè chén đến khuya. Ông chủ trại gạ:
– Bán cho tôi lão phù thuỷ của anh đi. Muốn lấy bao nhiêu thì cứ bảo. Nói thật đấy, tôi trả ngay cho anh một đấu bạc đấy.
Claus Nhỏ từ chối.
– Không, chịu thôi. Ông cứ thử tính mà xem, có lão phù thuỷ ấy tôi vớ được rất nhiều lợi lộc.
Ông chủ trại vật nài:
– Nhưng tôi thích lão ấy lắm.
Cuối cùng Claus Nhỏ nhận lời.
– Thôi được! Ông đã có lòng tốt cho tôi ngủ nhờ đêm nay. Tôi xin giả ơn: Đổi cho ông lão phù thuỷ của tôi lấy một đấu bạc, nhưng phải đong đầy đến miệng đấy nhớ!
– Được, nhưng anh phải khuân cái hòm này đi. Tôi không muốn chứa nó một phút nào trong nhà tôi nữa. Con ma còn ở đấy hay không chẳng biết?
Claus Nhỏ giao cho ông chủ trai cái túi đựng tấm da khô và nhận lấy đấu bạc đầy đến miệng. Ông chủ trại còn cho anh thêm một chiếc xe cút kít để chở tiền và hòm đi. Claus Nhỏ từ biệt ra đi, mang theo tiền và cái hòm bên trong vẫn chứa lão giữ đồ thánh. Anh đi ngang qua một cánh rừng, đến một con sông vừa rộng vừa sâu, nước chảy xiết. Người ta vừa mới bắc một cái cầu qua sông. Claus Nhỏ dừng lại giữa cầu, nói to để cho lão giữ đồ thánh nằm trong hòm nghe thấy:
– Rõ chán! Đem cái hòm chết tiệt này làm gì mới được kia chứ? Nặng như đá đeo ấy! Chẳng tội gì sụn lưng mà chở nó đi xa nữa, vứt quách xuống sông cho được việc. Nó mà trôi về được đến nhà mình thì càng hay, nhược bằng nó chìm nghỉm thì cũng thôi chứ cần quái gì!
Nói đoạn anh ra nhấc cái hòm lên một tí, như cách định hất nó xuống sông.
– Ấy chớ! Khoan đã! – Lão giữ đồ thánh trong hòm rỗi rít kêu lên – Cho tôi ra cái đã!
– Eo ôi! – Claus Nhỏ vờ làm ra vẻ sợ hãi – Con ma vẫn còn ở trong hòm? Phải quẳng ngay nó xuống sông cho nó chết đuối đi mới được.
– Ấy chớ! Ấy chớ! Xin ông tha cho, tôi sẽ biếu ông một đấu bạc!
– À! Thế ra không phải là ma ư?
Claus Nhỏ vừa nói vừa mở hòm. Lão giữ đồ thánh chui ra ngay, hất vội cái hòm rỗng xuống sông rồi về nhà đưa cho Claus Nhỏ một đấu bạc. Kể cả đấu tiền của ông chủ trại cho lúc nãy, anh được một xe cút kít đầy bạc.
Về đến nhà, vừa đổ tiền ra thành đống to giữa nhà, Claus Nhỏ vừa nghĩ thầm: “Ấy thế! Con ngựa chết của mình cũng được khớ tiền đấy chứ! Claus Lớn biết chuyện mình chỉ nhờ một con ngựa mà trở nên giàu có thì tha hồ mà bực tức, nhưng chả nên kể lại với hắn”.
Thế rồi anh nhờ một thằng nhóc sang nhà Claus Lớn mượn một cái đấu…
– Chả biết nó mượn đấu làm gì? – Claus Lớn tự hỏi, rồi bôi nhựa thông vào trôn đấu để Claus Nhỏ đong gì thì sẽ dính lại. Quả nhiên lúc Claus Nhỏ trả đấu còn dính lại ba đồng tiền bằng bạc mới toanh.
– Lạ nhỉ! – Claus Lớn nghĩ thế và lập tức chạy đến nhà Claus Nhỏ – Cậu làm gì mà vớ được lắm tiền thế?
– À, đấy là tiền bán da ngựa hôm qua đấy mà.
Thật là món bở. Claus Lớn vội ba chân bốn cẳng về nhà đập chết ngay cả bốn con ngựa, lột phăng lấy da đem ra tỉnh. Hắn đi rong các phố rao:
– Da ngựa đây! Da ngựa đây! Ai mua da ngựa ra mua!
Thợ giày, thợ da nào cũng hỏi giá.
– Mỗi tấm một đấu bạc.
– Thằng này điên à? Mày tưởng chúng tao có bạc đấu à?
Claus Lớn lại rao: Da ngựa đây! Da ngựa đây!
Nhưng ai hỏi giá, hắn cũng bảo: Một đấu bạc một tấm.
Mọi người đồng thanh kêu lên: A! Nó lại nhạo báng chúng mình à?
Rồi thợ giày rút dây da, thợ thuộc da cởi tạp dề, xông vào vừa đánh Claus Lớn vừa nhại: “Da này! Da này!”
Da à! Chúng ta sẽ cho mày được đỏ da như lợn bao tử! Tống cổ nó ra khỏi phố đi!
Claus Lớn chưa bao giờ bị một trận đòn nhừ tử như thế, vội ba chân bốn cẳng chạy mất. Về đến nhà, hắn lầm bầm:
– Được lắm! Thằng Claus Nhỏ sẽ biết tay ta! Ông thì đánh cho vỡ sọ.
(Đọc tiếp phần 2 truyện cổ Andersen: Claus Lớn và Claus Nhỏ)