Lúc ấy bà nội của Claus Nhỏ vừa mới chết. Bà cụ đối với anh cũng cay nghiệt, đáo để lắm. Nhưng Claus Nhỏ vẫn thương xót, đặt xác bà vào giường mình xem hơi ấm có làm cho bà cụ hồi tỉnh lại được chăng. Bà cụ nằm đấy suốt đêm, còn anh thì ngủ ngồi trên một chiếc ghế tựa.
Đến nửa đêm, Claus Nhỏ đang ngồi trong xó nhà, bỗng cửa mở, Claus Lớn vác búa vào. Hắn biết rõ giường Claus Nhỏ thường nằm nên đi thẳng đến. Tưởng cái xác bà cụ là kẻ thù nằm đấy hắn bèn choảng cho một búa vào trán.
– Thế là tong đời! Từ nay trở đi hết trêu tao nhớ!
Đoạn hắn về nhà. Claus Nhỏ nghĩ thầm:
– Thằng cha này thế mà ác thật! Nó định giết mình đây. Cũng may bà cụ chết hẳn rồi, không thì nó đã gây ra án mạng.
Anh mặc quần áo đẹp cho bà cụ, mượn một con ngựa bên láng giềng, thắng xe vào rồi đặt bà cụ vào trong cùng để bà cụ khỏi rơi ra ngoài khi xe chạy, rồi đánh xe qua rừng. Tảng sáng, đến cửa một quán trọ lớn, Claus Nhỏ dừng xe vào ăn. Ông chủ hàng cơm có vô khối tiền bạc. Ông ta cũng là người rất tốt, nhưng tính nóng như lửa.
– Chào Claus Nhỏ, hôm nay anh diện đi đâu sớm thế?
– Vâng, cháu đưa bà nội cháu ra tỉnh. Bà cụ ngồi trong xe ngoài kia, bảo cụ vào hàng nhưng cụ không vào. Ông có thể mang cho bà cụ cái bình rượu mật ong được chứ? Nhưng phải nói to lên nhá, bà cụ điếc nặng đấy!
– Được lắm.
Ông chủ quán mang một bình rượu mật ong to cho bà cụ đang lặng cứng trong xe.
– Bình rượu của cậu cháu trai bảo đem ra cho bà đây này!
Nhưng cái xác chết chẳng thèm cựa quậy, cũng chẳng nói một lời.
Bà không nghe thấy à? – Ông chủ quát hét to hơn – Bình rượu của cậu cháu trai bà bảo đem ra đây này!
Ông ta lại quát thêm lần nữa, rồi lần nữa. Nhưng bà cụ vẫn cứ ngồi trơ ra như phỗng. Ông ta nổi xung lên, ném cái bình rượu vào mặt bà cụ làm rượu tưới đẫm từ đầu tới chân. Xác bà cụ đặt tựa hờ vào thành xe, không có dây buộc, nên lăn đùng ra.
– Quân giết người! – Claus Nhỏ nhảy từ quán trọ ra, ôm chặt lấy ông chủ quán la lên – Mày giết bà tao mất rồi! Thủng trán rồi đây này!
– Thật là tai vạ! – Ông chủ quán vừa than vừa vặn vẹo đôi tay – Tôi trót nóng giận lớ tay chứ xưa nay có bao giờ thế đâu! Này, anh Claus Nhỏ ạ, tôi xin đền anh một đấu bạc và xin chôn cất bà cụ tử tế, coi như bà tôi vậy. Chỉ xin anh ỉm chuyện này đi, nếu không tôi đến mất đầu chứ chẳng chơi đâu!
Khi Claus Nhỏ đem tiền về đến nhà, anh lại nhờ thằng bé con sang mượn Claus Lớn cái đấu. Claus Lớn ngạc nhiên:
– Quái thật! Mình đã xả nó ra rồi kia mà. Phải thân hành sang xem mới được.
Rồi hắn cầm đấu sang nhà Claus Nhỏ. Thấy Claus Nhỏ có thêm tiền, hắn trợn tròn mắt mà hỏi:
– Ái chà chà! Đâu ra lắm tiền thế?
Hôm qua, anh đã chém nhầm bà tôi chứ không phải tôi đâu. Tôi đem bán xác bà cụ được một đấu bạc đấy.
– Khá thật, được tiền đấy nhỉ?
Nói đoạn, Claus Lớn chạy về nhà lấy búa phang cho bà hắn một nhát, rồi cho xác lên xe đem ra hiệu thuốc quen ngoài tỉnh hỏi bán. Người chủ hiệu thuốc hỏi:
– Xác ai? Ở đâu ra thế?
– Bà tôi đấy! Tôi đã đem giết bà cụ để đem bán lấy một đấu bạc đấy!
– Giêsuma lạy chúa tôi! Đừng có đùa kiểu ấy mà mất đầu đấy!
Nói rồi, người chủ hiệu thuốc giảng giải cho Claus Lớn biết tội ác của hắn, nói cho hắn biết hắn là quân giết người và sẽ bị trừng trị. Claus Lớn hoảng quá, vội chạy choàng ngay ra xe, quất ngựa rông thẳng về nhà. Ai cũng tưởng hắn phát điên, nên mặc kệ cho hắn đi. Vừa đi đường hắn vừa lẩm bẩm:
– Mày sẽ biết tay tao! Được rồi, thằng Claus Nhỏ, mày sẽ biết tay tao!
Lần này, vừa bước chân về đến nhà, hắn lấy ngay một cái túi to, chạy đến bảo Claus Nhỏ:
– Mày lại xỏ tao lần nữa. Thoạt đầu tao giết ngựa, sau đến giết bà tao, cũng tại mày tất cả, đừng có hòng xỏ tao nữa!
Hắn túm lấy thắt lưng và ấn luôn Claus Nhỏ vào trong cái bao, vác lên vai mà quát:
– Lần này thì ông đem này đi trôi sông!
Đường ra sông khá xa, Claus Nhỏ cũng chẳng nhẹ gì. Qua cửa nhà thờ, nghe thấy tiếng đại phong cầm và tiếng hát kinh thánh vọng ra, Claus Lớn đặt bao đựng Claus Nhỏ xuống trước cửa, bụng bảo dạ: “Vào cầu kinh đã rồi hãy đi. Ai cũng đi lễ cả, tất nhiên thằng Claus Nhỏ chẳng trốn đi đâu được.” Nghĩ thế hắn vào nhà thờ.
Claus Nhỏ kêu oai oái trong bao, loay hoay mãi không cởi được dây buộc. Vừa hay có một ông lão chăn bò râu tóc bạc phơ đi tới, tay cầm một cây gậy to, đang lùa một đàn bò rất đẹp. Bò đi qua xô phải cái bao đựng, Claus Nhỏ lăn chiêng ra. Claus cậu rên rỉ:
– Than ôi! Mình còn trẻ thế này mà đã phải lên thiên đàng rồi!
Ông lão chăn bò nghe thấy bèn nói:
– Khốn khổ khốn nạn cho cái thân già này! Từng này tuổi đầu mà còn chưa được lên thiên đàng, anh ạ!
Claus Nhỏ vội kêu lên:
– Cụ hãy mở túi ra, chui vào đây thay tôi là được lên thẳng cõi thiên đang đấy!
– Ồ! Thế thì còn gì bằng nữa! Ông lão chăn bò vội mở bao. Claus Nhỏ nhảy phắt ra.
Ông lão vừa chui vào bao vừa dặn:
– Anh chăn hộ tôi đàn bò nhé!
Claus Nhỏ buộc bao lại rồi đánh bò đi thẳng. Lát sau, Claus Lớn ở nhà thờ ra, lại vác bao lên vai. Cái bao nhẹ bỗng đi, chẳng có gì lạ cả, vì ông lão chăn bò chỉ nhẹ bằng nửa Claus Nhỏ thôi.
– Sao nhẹ thế này nhỉ? Ồ! Có lẽ tại mình vừa ở nhà thờ ra!
Rồi Claus Lớn ra một quãng sông vừa rộng vừa sâu quẳng cái bao của ông cụ xấu số xuống. Cứ yên trí đấy là Claus Nhỏ, hắn rủa với một câu:
– Cút đi cho rồi! Từ nay hết xỏ tao nhé!
Hắn quay về nhà, nhưng đến một ngã tư lại gặp Claus Nhỏ đang dắt đàn bò.
– Chà, thế này thì lạ thật! Tao chả vừa thả mày trên sông là gì?
– Đúng! Anh vừa quẳng tôi xuống xông mới cách đây nửa giờ.
– Thế kiếm đâu ra đàn bò đẹp thế?
– Bò của vua Thuỷ tề đấy! Tôi kể cho anh nghe nhé! Trước hết, cảm ơn anh đã thả tôi trôi sông, cho nên tôi mới được giàu có trở về đây. Lúc anh quẳng tôi từ trên cầu xuống sông giá buốt, ngồi trong bao thấy gió rít hai bên tai, tôi sợ vô cùng. Tôi chìm ngay xuống đến đáy, chẳng đau đớn tí nào vì ở dưới nước ấy cỏ mọc rất êm. Vừa rơi xuống tới nơi, bao mở ra ngay, và có một cô con gái tuyệt đẹp mặc toàn đồ trắng, trên bộ tóc xoã có đội một cái vòng màu xanh, cầm lấy tay tôi mà bảo rằng:
– Có phải chàng Claus Nhỏ đấy không? Trước hết, xin tặng chàng mấy con bò này. Đi độ một dặm nữa, chàng sẽ thấy một đàn bò nhiều gấp mấy lần thế này. Đàn bò ấy tôi cũng xin tặng chàng đấy.
Lúc ấy tôi mới biết con sông là đường cái của dân cư dưới bể. Đi theo lòng sông tôi ra đến biển và đi đến tận một con sông khác. Nom cái gì cũng mê ly. Nào là hoa thơm cỏ lạ, nào là cá lượn tung tăng ríu rít như chim hót. Dân cư mới đáng yêu, súc vật dọc đường và trên các bờ rào mới nhiều làm sao chứ!
Claus Lớn vội hỏi:
– Thế sao mày lại vội lên trên này làm gì? Ở dưới ấy mà sướng thế thì nhất định tao chẳng lên làm gì!
– Đấy chính là tài khôn khéo của tôi đấy! Anh đã nghe tôi kể rồi còn gì: Nàng tiên cá bảo tôi đi một dặm đường nữa – đường theo ý nàng tức là con sông ấy, sẽ gặp một đàn bò là quà tặng của nàng cho tôi. Nhưng biết là con sông này ngoắt nghoéo chứ chi, khiếp lắm, cứ như trận đồ bát quái, nên tôi đã lên bờ, đi tắt qua cánh đồng, gần được một nửa dặm đường và tìm thấy ngay đàn bò của vua Thuỷ tề.
Claus Lớn nói: Cậu thật là số đỏ. Tớ mà xuống đến đáy sông liệu có vớ được đàn bò của vua Thuỷ tề như cậu hay không?
– Nhất định rồi. Nhưng anh nặng lắm, tôi không cho anh vào bao vác ra đến sông được đâu. Anh chịu khó đi bộ ra đến đấy rồi hãy chui vào bao nhé! Tôi sẽ vui lòng vần anh xuống.
– Cám ơn cậu. Nhưng đến đằng kia mà tớ không vớ được đàn bò của vua Thuỷ tề thì tớ sẽ cộp cho cậu một trận nên thân đấy! Nói thật chứ chẳng chơi đâu!
Thế rồi họ kéo nhau ra sông. Đàn bò đang khát trông thấy nước vội chạy ùa đến uống nước. Claus Nhỏ bèn nói:
– Đấy, anh xem, chúng nó đang cuống cuồng vội vã muốn quay về Thuỷ Cung đấy.
Claus Lớn rối rít: Hộ tao cái, nhanh lên không thì dờ cái thần xác!
Nói đoạn hắn chui vào một cái bao cũ vất trên lưng một con bò và còn dặn thêm:
– Cho thêm một hòn đá vào đấy. Tớ sợ không chìm được đến đáy.
– Không có đá cũng chìm – Tuy nói vậy, Claus Nhỏ cũng cho một hòn đá tướng vào túi, buộc lại rõ chặt và lăn xuống sông.
Tùm! Thế là Claus Lớn rơi xuống nước, chìm nghỉm ngay lập tức. Claus Nhỏ vừa đánh bò về nhà vừa lẩm bẩm:
– Ta e rằng hắn chẳng tìm được đàn bò nào đâu!