Vào khoảng mấy niên đại đầu thời hậu Lê, ở trang Cao Xá huyện Đông Thành phủ Diễn Châu trấn Nghệ An, có một gia đình suốt mấy đời làm ăn lương thiện, chồng là Phạm Lương, vợ là Trần Thị Bích.
Sử xưa kể rằng, đến đời Phạm Lương tuy gia cảnh sa sút nhiều, nhưng vẫn giữ được nếp sống cần kiệm, thanh bạch của tổ tiên để lại. Ông làm nghề bốc thuốc chữa bệnh, còn bà làm ruộng và đôi khi cũng quẩy gióng gánh đi chợ để kiếm thêm đồng rau đồng muối. Là những người phúc hậu, hai ông bà thường giúp đỡ cưu mang những người cơ nhỡ khó khăn, và không bao giờ thấy họ to tiếng với nhau và với bà con hàng chòm hàng xóm.
Năm ngoài 20 tuổi, bà Trần Thị Bích một đêm nằm mơ thấy vị thần nhân mặt mũi hiền từ, ăn mặc như một nho sinh, tay cầm chiếc thẻ bài vàng, còn tay kia bế đứa trẻ xinh đẹp như một thiên thần, đi đến bên giường mà bảo:
– Ta là sứ giả Thiên đình vâng mệnh Ngọc Hoàng Thượng đế, trao cho vợ chồng ngươi đứa trẻ này. Hãy gắng nuôi dạy nó nên người, để khỏi phụ lòng bề trên mong đợi.
Nói xong vị nhân thần liền chìa đứa bé ra cho bà Bích, nhưng khi bà vừa đưa tay đỡ thì đột nhiên lại giật mình tỉnh giấc. Và cũng từ đấy, bà bắt đầu cảm ứng, có mang.
Đến 12 tháng sau, bà Bích mới trở dạ, sinh được mụn con trai mặt mũi khôi ngô, giống như thiên thần mà bà đã nhìn thấy trong giấc mộng.
Được chăm sóc, đứa trẻ lớn dần, và càng ngày càng trở nên thông minh, linh lợi khác thường. Hai ông bà vui mừng, đặt tên cho con là Bình. Đến năm 17 tuổi, Bình đã là một chàng trai tuấn tú và có nhiều thiên hướng về đường võ nghệ.
Tuy nhiên, vì nhà con một, lại trong dòng dõi chưa từng có ai phát về nghiệp binh đao, nên ông Phạm Lương và bà Trần Thị Bích khuyên con hãy nối nghiệp nhà đọc sách và làm thuốc chữa bệnh. Còn Phạm Bình, tuy nghe lời cha mẹ, nhưng trong lòng vẫn thường nuối tiếc vì không được thoả chí tang bồng.
Bốn năm sau, khi Phạm Bình 21 tuổi thì cha mẹ già yếu, rồi nối nhau, lần lượt qua đời. Chàng cùng họ hàng lo liệu tang lễ chôn cất cho cha mẹ xong, thì ở nhà đủ cư tang ba năm, nếm trải đủ mọi nỗi khốn khó cơ hàn của một kẻ sống giữa cõi đời bơ vơ lạc lõng.
Chính vì vậy, sau ba năm, Phạm Bình đã gửi nhà cửa lại cho họ hàng, rồi ra đi cho biết đó biết đây.
Chàng ngao du khắp chốn cùng nơi, kết thân với nhiều bạn bè, và với nghề bốc thuốc gia truyền, nên đi đến đâu chàng cũng được mọi người nể trọng. Do sẵn có đầu óc nhận xét, lại biết chú ý lắng nghe, nên trong nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc, chàng cũng rút ra được nhiều bài học về nhân tình thế thái.
Chàng nhận thấy, ở đâu đâu dân chúng cũng phải chịu cảnh cơ cực lầm than. Họ hai sương một nắng suốt ngày quần quật trên đồng trên bãi mà đến bữa thường chỉ có nồi cơm độn với quả cà, bát canh rau. Còn nhà cửa thì xiêu vẹo, áo quần rách nát, tồi tàn. Trong các trang ấp, trẻ con nheo nhóc, bẩn thỉu, không được học hành, các ông già bà lão, da thịt nhăn nheo theo tuổi tác, thời gian nhưng những cái lưng còng xuống đi lại lom khom, thì là người làm thuốc, chàng hiểu họ đã phải suốt đời nai lưng ra gồng nặng gánh nhẹ cực khổ.
“Sứ mệnh của ta chính là để làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho dân chúng” – chàng nghĩ, và liên hệ với những lời dạy bảo của cha mẹ khi còn sống, thấy những lời ấy sao mà thấu tình đạt lý đến thế. “Nếu ta cứ theo ý mình, cậy có chút sức khoẻ và võ nghệ rồi đi đầu quân thì sẽ ra sao nhỉ?” – Chàng tự hỏi và tự trả lời – Ta sẽ thành một tên lính cơ, lính lệ, hoặc giả có cúc cung tận tuỵ mà làm tướng được, thì phỏng có ích gì? Tướng để đánh nhau với giặc thì chẳng nói, chứ nếu để đàn áp sách nhiễu dân chúng, thì thà rằng làm dân còn hơn”.
“Nghề bốc thuốc chữa bệnh này dẫu không mang lại lợi lộc gì nhiều, nhưng trước sau vẫn là một nghề lương thiện và nếu làm đúng với bổn phận, thì cũng thực xứng đáng được gọi là đã thành người – như lời cha mẹ ta hằng tâm niệm”.
Vì tận tâm với nghề nghiệp, nên vừa hành nghề, Phạm Bình vừa để ý đến việc học tập nâng cao tay nghề. Quả nhiên, khoảng hơn năm sau chàng gặp được một ông thầy, mà theo nhận xét của chàng – đấy chính là vị “chính nhân quân tử”, vị “đại danh y” trong nghề bốc thuốc. Ông thầy, sau lần tiếp xúc, thấy cung cách và nghe nguyện vọng của chàng, đã vui vẻ thu nạp chàng làm đệ tử.
Đi theo ông thầy ba năm, mọi kiến thức của Phạm Bình được mở mang, còn tay nghề thì đã đến mức tuyệt hảo. Chàng xem mạch, kê đơn rồi bốc thuốc như “thần”, chữa bệnh nào cũng khỏi. Ông thầy, sau vài lần kiểm tra thấy tin tưởng được, bèn bảo chàng là có thể tự hành nghề, rồi động viên khuyến khích chàng lên đường. Còn bản thân thầy, sau đó cũng vân du nhiều nơi, mà về sau, nhiều lần chàng hỏi han tin tức nhưng không bao giờ còn được gặp lại người thầy đáng kính của mình nữa.
Trên đường du ngoạn và bốc thuốc chữa bệnh, từ trấn Nghệ An, bàn chân của Phạm Bình đã đặt lên phần đất của xứ Thanh Hoá từ khi nào cũng không biết. Thế rồi đến một hôm, khi tới trang Cổ Phạn của xứ này thì cũng là lúc trời gần tối, nên chàng đành vào xin ngủ trọ tại nhà ông Phạm Trung của trang ấp ấy.
Nhà ông Phạm Trung này vốn là nhà giàu có, vào loại nhất nhì trong vùng. Gia tư thì đầy những toà ngang dãy dọc, bên trong của kho thóc đụn chất chồng, còn gia nhân thì kể đến vài chục người cùng với con cái cháu chắt cũng thật đông đúc. Một gia đình giàu có như thế, ở vào thời buổi bấy giờ thì thường là vào loại cường hào, hoặc chí ít cũng là cấu kết chặt chẽ với cường hào chứ chẳng mấy tử tế gì. Về sau Phạm Bình được biết như thế, qua những việc đã mắt thấy tai nghe, còn lúc bấy giờ, chỉ do ngẫu nhiên vô tình, mà chàng đã đặt chân vào trong ngôi nhà ấy.
Vào lúc nửa đêm, khi Phạm Bình đang giấc ngủ say, thì người em của chủ nhân đến tận bên giường lay gọi rồi hỏi chàng: “Ông có phải là thầy thuốc không?” Chàng tỉnh dậy, gật đầu đáp “phải”, và đoán rằng do mọi người trông thấy chàng mang tay nải nên họ mới nghĩ là thầy thuốc như thế.
Chàng đi theo người em này đến nhà chính, gặp gia chủ. Ông Phạm Trung lúc ấy, người gầy rộc, đang nằm trên phản, thở khò khè. Người em của Phạm Trung kể lại bệnh tật của anh mình với Phạm Bình. Chàng thầy thuốc trẻ lắng nghe, rồi sau đó bắt mạch và xem xét kỹ các dấu hiệu trên cơ thể người bệnh.
Chàng làm các việc sơ cứu để Phạm Trung có thể ngủ được trong đêm ấy, rồi trở về phòng mình. Đến sáng hôm sau, thì chàng tự tìm đến hỏi han kỹ bệnh nhân, rồi bắt tay vào việc kê đơn, bốc thuốc và trực tiếp hướng dẫn cho người nhà sao tẩm, đun nấu, còn mình thì luôn luôn theo dõi người bệnh. Mấy ngày liền như thế, cơn bệnh kịch phát của Phạm Trung đã bị đẩy lùi, và ông ta có thể gượng ngồi dậy được. Tiếp sau đó, Phạm Bình vừa cho ngươì bệnh uống thuốc bệnh và thuốc bổ, vừa tập dần cho ông ta có thể quen với việc hít thở và đi lại bình thường. Và thế là sau hơn một tháng trời nhờ được chăm sóc tận tình, ông Phạm Trung đã hoàn toàn khoẻ mạnh. Cũng trong quá trình chăm sóc và chữa bệnh cho chủ nhân ấy, chẳng những Phạm Bình biết được thời gian mắc bệnh và cách chữa trị trước đó của ông, mà còn được biết cả về gia thế, cùng cung cách đối nhân xử thế của ông ta nữa.
Thì ra, đấy là một gia đình trọc phú mà thỉnh thoảng chàng đã gặp phải. “Thôi thì biết làm sao – chàng nghĩ – đã là thầy thuốc, thì chỉ nên căn cứ vào bệnh tật mà chữa trị, chứ không thể có sự phân biệt đối xử nào”.
Thấy sức khoẻ của ông Phạm Trung đã hoàn toàn bình phục, thì cũng là lúc thầy thuốc trẻ Phạm Bình chuẩn bị khăn gói, tay nải để lên đường. Thế nhưng, đến khi Phạm Bình vào chào từ biệt thì ông ta lại mời chàng ngồi lại mà nói rằng:
– Công thầy chữa trị cho tôi thực như trời biển, chẳng có tiền bạc nào sánh được. Thôi thì thế này, thầy hay đi đây đi đó, chắc cũng đến lúc cần phải lập gia đình, còn tôi lại có đứa con gái đến tuổi gả chồng, vậy nên mời thầy ở lại để thành gia thất, lo chuyện làm ăn, về sau tôi sẽ chia cho nhà cửa, ruộng nương, mọi thứ thế nào cũng được như ý cả.
Và khi vừa nói xong thì ông ta cũng lập tức gọi con gái ở trong buồng ra rót nước mời khách nhưng cái chính là để Phạm Bình nhìn cho rõ mặt. (Những ngày trước Phạm Bình đã biết trong nhà này có nhiều con gái, nhưng do chưa nghĩ đến việc lấy vợ, nên chàng không để ý và tìm cách hỏi han họ).
Phạm Bình liếc nhìn cô gái, thấy cô ta khoẻ mạnh và mặt mũi trông cũng không đến nỗi nào, nhưng ngay lập tức chàng hiểu ra mánh lới của vị chủ nhân: “Ông ta không muốn trả tiền mà lại muốn gả con gái để ta ở lại cho tiện sai bảo, hầu hạ đây”. Chàng khẽ mỉm cười. Ông Phạm Trung nói tiếp:
– Anh em họ hàng nhà tôi đông, người ăn kẻ ở trong nhà cũng không thiếu, còn ruộng đất thì chiếm quá nửa cái trang này. Cho nên tôi chỉ cần hé răng một tiếng, là cả cái vùng này cũng chẳng kẻ nào dám ho he. Đã có vô khối người muốn ngấp nghé con gái tôi, mà chưa được đấy. Vậy nên thầy hãy suy nghĩ cho kỹ rồi sớm định liệu cho.
Thấy sự việc diễn ra đột ngột quá, và nhất là lại thấy cái giọng điệu trịch thượng và độc đoán như thế của chủ nhân, nên Phạm Bình cũng hơi bị lúng túng bất ngờ, chưa biết phải xử trí thế nào. Chàng ngồi ngây ra một lúc, khiến cho ông Phạm Bình tưởng chàng đã bằng lòng, nên vừa châm đóm hút thuốc, ông ta vừa gật gù nói thêm:
-Thôi còn nghĩ ngợi lâu la gì nữa cho thêm mệt. Sẵn nong sẵn né thì ở lại đây. Với tài bốc thuốc của thầy, thiên hạ cứ đến quì xuống mà van nài. Mình vừa được tiếng lại vừa tha hồ lấy tiền, chẳng mấy chốc sẽ giàu to đấy.
Chẳng là, khi nói như thế, ông Phạm Trung cũng tự liên hệ với bản thân mình: mấy năm vừa qua đau yếu bệnh tật, ông ta đã phải bỏ ra vô khối tiền bạc, để chi phí cho các lần khám chữa. Lần này, nhất định ông ta phải “rút kinh nghiệm” cho mình.
Còn chàng Phạm Bình, mặc dù đi đó đi đây cũng nhiều, nhưng bản thân chỉ chú trọng đến việc thưởng ngoạn phong cảnh đẹp, chứ không bao giờ để ý đến chuyện tiền nong, và nhất là lại không bao giờ nghĩ đến việc làm giàu trên lưng những người bất hạnh, nên nghe ông Phạm Trung nói thế, càng lúc càng làm cho chàng cảm thấy hết sức ngạc nhiên. Đối với loại người trọc phú như ông ta, tuy chàng cũng gặp, nhưng mức độ thô bỉ và hống hách đến như thế, thì đây mới chỉ là lần thứ nhất. Bởi vậy, trong lòng chàng dậy lên một nỗi ghê tởm. “Ta phải xa chạy cao bay khỏi nơi này thôi” – chàng nghĩ, rồi điềm tĩnh trả lời:
– Từ nãy tôi đã nghe cụ nói, và thật hồng phúc cho nhà tôi được cụ cho nhận làm con cái. Tuy nhiên, vì tuổi còn trẻ, nên tôi còn phải đi đó đi đây thăm thú, chữa bệnh cho nhiều người nhiều nơi khác nữa, chứ chưa thể nhất định ở nơi nào để sinh cơ lập nghiệp được. Vì vậy, xin cụ cho tôi lên đường, còn tiền công tiền thuốc thế nào, là tuỳ theo ý cụ.
Bây giờ thì lại đến lượt ông Phạm Trung trố mắt ra ngạc nhiên, bởi vì trước khi mời Phạm Bình ngồi lại nói chuyện, ông ta cũng đã trù tính sẵn cả rồi. Ông ta cho rằng chỉ cần nhìn thấy dinh cơ đồ sộ của nhà mình thì bất kẻ nào cũng phải thèm muốn, ước ao, huống hồ bây giờ lại được ông đích thân mời làm con rể nữa, thì nhất định kẻ đó chỉ có việc quì xuống mà lễ sống thôi, chứ làm sao mà lại còn khác được? Bởi vậy, khi nghe Phạm Bình trả lời như thế, thì lập tức ông ta sa sầm nét mặt rồi chợt nhớ đến cái câu đã nói: “Công thầy như trời biển, chẳng có tiền bạc nào sánh được” – thì ông ta lại tím ruột bầm gan, nghĩ đến món tiền lớn phải trả ra mà xót. Tuy nhiên, cuối cùng thì ông ta cũng đã trấn tĩnh lại được, rồi nói:
– Thôi, thầy đã nói như thế thì tôi đây cũng chẳng ép làm gì. Bây giờ thầy hãy trở về phòng, đợi một hai ngày nữa để tôi còn thu xếp lấy tiền trả thầy sau vậy.
Lẽ ra thì chàng Phạm Bình trẻ tuổi có thể nói thêm: “Cụ trả thế nào cũng được, miễn là tôi có ít tiền ăn đường” rồi sau đó, nhận vài đồng bạc nhỏ mà đi luôn thì đã chẳng xảy ra chuyện gì, nhưng đằng này do là người có học giữ phép tắc, nên khi nghe chủ nhân nói thế thì chàng lại tưởng thật, bèn đứng dậy chào, rồi trở về phòng mình mà không biết đã bị rơi vào cạm bẫy của bầy hùm sói…
*
* *
Quả nhiên, “bầy hùm sói” ấy – chủ nhân và mấy người em, sau đó đã ngồi bàn kín với nhau, rồi cuối cùng quyết định phải “hạ độc thủ” đối với Phạm Bình cho bằng được. Sở dĩ có chuyện ấy là do cả mấy anh em nhà Phạm Trung đều tức tối vì chuyện con gái bị từ chối. Chuyện mà bị vỡ lở ra bên ngoài thì họ còn mặt mũi nào với trang ấp và với cả vùng này? Lại còn số tiền phải trả cho Phạm Bình, biết thế nào cho vừa? Bởi vậy, họ quyết định giết Phạm Bình và cho đó là kế sách hay hơn cả. “Hắn ta thân cô thế cô đến đây, chỉ người trong nhà biết, còn nếu sau này trong trang ấp có kẻ nào xì xào bàn tán, thì chỉ cần đe doạ là sẽ phải câm miệng lại ngay thôi. Quan trên thì ở xa, và nếu có ai bẩm báo, thì chỉ cần đút lót, là cũng xong chuyện.”
Mấy anh em nhà Phạm Trung đã tính toán như thế, và giao cho hai người em út thực hiện việc hạ sát Phạm Bình. Thế là đến chiều ngày hôm sau, khi Phạm Bình lững thững ra đứng ở đầu trang có bóng cây để hóng mát, thì hai người em của Phạm Trung lập tức xông ra. Một tên ôm chặt lấy Phạm Bình, còn tên kia rút búa, nện cho chàng mấy nhát vào đầu, thế là chàng gục xuống, chết ngay tại chỗ.
Hỡi ôi! Xưa nay “làm ơn nên oán” cũng là những chuyện đã từng!
Chỗ Phạm Bình gục xuống chết ở cách nhà Phạm Trung một quãng ngắn, được gọi là xứ Hoàng sà, vì dải đất ở đấy có hình giống như hình con rắn.
*
* *
Xác của Phạm Bình sau đó được hai tên côn đồ kéo vào bụi, rồi chúng dùng cuốc xẻng đào vội một hố nông, đẩy xuống và lấp đất lên. Các việc lúc ấy đều không có ai chứng kiến. Đến sáng hôm sau, khi Phạm Trung ra xem thì mọi việc đã xong. Còn mãi về sau, khi có người hỏi đến chuyện ấy, thì người nhà ông ta lại bảo đấy là “tổ mối đùn”.
Sự tính toán rồi hạ sát Phạm Bình của anh em Phạm Trung quả nhiên đã rất kín kẽ, mãi về sau người ta mới đoán ra lờ mờ, chứ lúc bấy giờ thì không một ai xung quanh hay biết. Lại nữa, vì người bị hại không có thân thích, nên sự việc cũng chẳng đến được tai quan trên. Thế nhưng, không biết có phải Phạm Bình chết vào giờ thiêng, hay là có “oan oan tương báo”, mà chỉ sau đó ít ngày, cả nhà Phạm Trung từ lớn đến bé, đều lăn ra ốm liểng xiểng. Họ tìm thầy tìm thuốc, rồi cúng tế linh đình mà bệnh tình cũng chẳng thấy thuyên giảm. Kết quả là cả mấy anh em trai nhà Phạm Trung đều lăn ra chết. Và đến lúc ấy, những người còn sống sót của nhà này mới tỉnh ngộ. Họ vội vàng lập miếu thờ cúng Phạm Bình ở xứ đồng Hoàng sà, để “Ngài” khởi trở về mà “vật” chết cả nhà họ!
Còn dân chúng trong trang Cổ Phạn và sau đó, trong cả vùng này, được thấy những việc xảy ra trong nhà Phạm Trung, thì người ta cũng chỉ sì sầm, bàn ra tán vào. Và vì không ai được tận mắt chứng kiến cái chết của Phạm Bình, mà chỉ biết phần mộ của Ngài được xây cất và Ngài được dựng miếu thờ, sau đó lại thấy trong nhà Phạm Trung được yên ổn thì mọi người mới tin là có thần linh và quỉ thần thật.
Từ đó về sau, hễ gặp sự gì oan trái bất thường hoặc có điều gì phải thề thốt, thì người ta lại đến trước miếu thờ Phạm Bình cúng lễ, để xin Ngài làm chứng và phân xử giúp. Đã có nhiều kẻ gian trá sau đó bị đền tội, và do vậy, tiếng đồn về ngôi miếu linh thiêng cứ ngày mỗi lan xa.
*
* *
Cách khoảng vài chục năm sau, đến niên hiệu Hồng Đức thứ nhất (1470) vua Lê Thánh Tông dẫn đại binh đi đánh Chiêm Thành. Khi đến trang Cổ Phạn thì trời gần tối, nên nhà vua cho binh lính nghỉ lại một đêm. Trong đêm ấy, vào khoảng giờ Tuất (8 – 10 giờ tối), nhà vua và mọi người nhìn thấy ở xứ đồng Hoàng Sà, nơi có ngôi miếu thờ Phạm Bình, vô số những đốm lửa từ đất phụt lên rồi giễu đi giễu lại lên xuống nhấp nhô, như thể đang nhảy múa. Mọi người đều vô cùng kinh hãi, cho là có ma quỉ hiện về, nhưng riêng nhà vua, do cao kiến hơn người, lại cho rằng đấy là thần linh đến chúc mừng Ngài và đại quân sắp tới sẽ thắng trận.
Sáng sớm hôm sau, trước giờ xuất phát, nhà vua sai Đại thần đến miếu thắp hương, dâng lễ vật để cầu thần linh hiển ứng âm phù. Quả nhiên về sau, đại binh của Ngài đại thắng quân Chiêm, bắt được chúa Chiêm Trà Toàn.
Khi trở về kinh thành Thăng Long, nhà vua sắc phong cho thần là “Linh thần huyền thông hiển ứng. Bản cảnh thành hoàng”. Lại cấp thêm cho dân địa phương tiền bạc để tu sửa đền thờ, và truyền cho họ cử người thường xuyên đến hương lửa cúng lễ.