Có một người sưu tầm tranh già nua mù lòa sống ở một thị trấn nhỏ nghèo nàn của nước Đức sau chiến tranh. Ông coi những bức tranh trong bộ sưu tập của mình hơn cả sinh mệnh, hàng ngày vẫn “xem” chúng bằng tâm tưởng, ký ức.
Ông lão tội nghiệp không hay biết rằng, chiến tranh đã mang đến cảnh khốn cùng và vợ con ông đã buộc phải bán dần bán mòn ngững bức tranh để giúp gia đình sống qua những ngày đói rét.
Ông lão tội nghiệp sẽ tuyệt vọng đến mức nào nếu biết được điều kinh khủng này, khi mà sự thật có thể bị tiết lộ bởi một nhà buôn tranh đột ngột tìm đến hỏi mua vài bức trong bộ sưu tập của ông.
Nhưng nhà buôn tranh đã hết sức xúc động trước những lời khẩn cầu tha thiết của gia đình ông lão, và đồng ý nhập vai trong một màn kịch. Con người nhân hậu ấy đã làm tất cả để che giấu sự thật và ông đã thành công.
Ông lão yêu tranh đã tiễn người khách bất ngờ của mình ra về với niềm tin nguyên vẹn trong trí óc và niềm vui vẫn lấp lánh trong đôi mắt mù lòa. Còn người buôn tranh, người diễn viên bất đắc dĩ, cái ông mang về sau chuyến viếng thăm ấy không phải là một bức tranh cổ quý hiếm mà là một bài học về tình yêu thương của những con người khốn khổ.
Bạn có thể nói: “Đôi khi không phải sự thật mà là những lời nói dối đã giúp ta sống tốt hơn”. Nhưng tôi nghĩ rằng đằng sau những lời-không-trung-thực đó, chính tấm lòng chân thành, sự đồng cảm sâu sắc xuất phát từ trái tim mới làm nên điều kỳ diệu.~ HẾT ~