Mắt thường vẫn bỏ qua nhiều sự việc trong mỗi câu chuyện. Đó không đơn giản chỉ vì một số thứ là vô hình (mà chúng chắc chắn là vậy). Đó cũng không đơn giản con mắt đôi khi mù quáng (mà nó có thể thế lắm, do được chọn hay do bị đánh lừa). Đó còn vì các câu chuyện có nhiều khía cạnh đến nỗi không thể thấy hết mọi khía cạnh ngay một lúc. Và cũng bởi lẽ các câu chuyện biến hóa theo thời gian, được kể đi kể lại và trở đi trở lại theo các cách mà chúng ta khó có thể lường trưóc được ngaỵ từ đầu, ngoại trừ việc cảm thấy nó rút cục không thể tránh được.
Đó chính là lí do vì sao Nit đã bị bỏ qua không được nhận ra. Nàng đồng thời cũng là các vẻ mặt của biết bao nam thần và nữ thần. Nit là người khó nắm bắt.
Sự sống cần có nguồn cội. Ban đầu, các nguồn nước Nun nguyên thủy tách ra khi Ra tự tạo ra mình qua lời nói. Nhưng, tuy vậy, quá trình tự sinh này nằm trong sự ẩm ướt vỗ về của Nun. Nun là cội nguồn của thần.
Ra lại tiếp tục tạo ra những vị thần khác – tất cả đều do một mình thần, không có thêm ai khác. Như vậy là thần kể với chúng ta. Nhưng liệu có thật không? Có thật là thần đã tự mình làm tất cả những việc ấy? Nun không thể chịu phó mặc tất cả phần còn lại của sự sáng thế cho Thần Mặt trời. Ra là một kẻ lực lưỡng, bạo mồm, chai lì và có phần trì độn. Những phẩm chất ấy có thể là có ích trong nhiều hoàn cảnh, nhưng không phải tất cả. Thần cần sự trợ giúp từ khía cạnh nữ tính của Nun. Thần cần sự trợ giúp của Nit, khía cạnh khéo léo hơn của Nun.
Nit, cũng như Ra, đã tự sinh ra – nhưng nàng cũng lại bắt nguồn từ Nun, nàng có một ngọn nguồn. Nàng tự tạo thành mình là một người khôn ngoan.
Nữ thần Neith (hay Nit, Net, Neit) là một trong những vị thần được thờ phụng lâu đời nhất Ai Cập cổ đại, khoảng từ trước khi các triều đại được hình thành (năm 6000-3150 TCN) tới tận triều đại Ptolemaic (năm 328-30 TCN). Bà được thờ như nữ thần sáng tạo thế giới, nữ thần của săn bắn, chiến tranh, trí tuệ, nghề dệt và cả việc mai táng. Bởi vậy nên trong các biểu tượng của Neith, gồm mũ miện Deshret, thanh kiếm, lá chắn, con thoi dệt và mũi tên, người dân thành phố Sais/Zau – trung tâm của việc thờ Neith – đã lấy biểu tượng thành phố là hình mũi tên bắt chéo.
Gia phả của Neith có phần lằng nhằng. Trong các ghi chép, Neith là vợ của Khnum và mẹ của Sobek, song cũng có ghi chép bà là vợ của Sobek. Theo Iunyt (Esna), Neith là mẹ của Ra và cũng là người tạo ra kẻ thù của Ra, con rắn Apep.
Suy cho cùng, làm sao có thể làm khác được?
Ngay lập tức nàng được kính trọng vì sự khôn khéo. Khi thần Heru Sa Aset, con trai của nữ thần Aset và thần Usir đánh nhau với thần Set bác mình, Nit có lúc đã được vời đến để làm trọng tài phân xử. Nit đứng về phía Heru Sa Aset; cậu có quyền thừa hưởng ngôi báu của cha mình. Nhưng nàng đề xuất Set cũng được nhận đền bù; thần đã chiếm đoạt được ngôi báu, nay buộc phải từ bỏ nó. Điều này quả là đau đớn, nhưng nó cũng có nghĩa rằng một sự đền bù có thể khỏa lấp được. Nàng tuyên bố Set được trao hai nữ thần chiến tranh của Syria, Astarte và Anat để lấy làm vợ. Đó không phải là kết cục của cuộc xung đột, tất nhiên – nó còn tiếp diễn hàng năm ròng. Nhưng lẽ ra đã có thể, nếu Set không ngang ngạnh đến thế và chịu nghe những lời khôn ngoan của Nit. Về mặt này Nit cũng giống như Tehuti, chiếc lưỡi của Ra và là kẻ vô địch về lí lẽ và sự cân bằng.
Ở Nit có cái gì đó thật lớn lao, cái gì đó khiến bạn phải chú ý. Nàng đã quyết định sáng tạo, và thế là nàng nhấc chiếc khung cửi dệt vải lên – vật sở hữu quý giá nhất của người phụ nữ – và mải miết dệt. Một số người nói nàng dệt nên thế giới. Nhưng nàng không cần người ta tin một điều to tát như thế. Nàng hài lòng với việc những người phụ nữ dệt vải tôn kính nàng. Đáp lại nàng bảo hộ họ. Nàng bảo hộ cả những người phụ nữ đã có chồng. Về phương diện này nàng không phải là một bản mặt của Nun và Tehuti, mà là một mặt của nữ thần dịu dàng đáng yêu Hut Heru.
Nit có một cốt cách thương người thấu đến cả những góc tối và nàng nhận ra còn có những kẻ khác mà nàng có thể giúp. Và thế là nàng lại mải miết dệt. Nàng dệt những dải vải lanh trắng để quấn quanh các xác ướp. Và đây là món quà của nàng dành cho người chết. Nàng đặc biệt quan tâm đến nội tạng của người chết, vì người ta thường bị những vết thương ở phần thân trên dẫn đến cái chết – những vết thương khi đánh nhau.
Nit chăm chút cho các vết thương do trận mạc vì nàng là nữ thần Chiến binh. “Sao lại có thể như thế được?” người ta có thể hỏi. “Làm sao một nữ thần bảo hộ phụ nữ có chồng lại đồng thời dẫn dắt những người đàn ông đến nơi chiến tranh nguy hiểm?” Nhưng hãy nhìn lại đi. Hãy nhìn thật kĩ vào. Nit nhìn kĩ lắm. Nàng biết rằng sẽ luôn luôn có kẻ thù, sẽ luôn luôn có sự đe dọa. Chiến tranh tự nó có thể là một điều tồi tệ, nhưng nó cũng có thể là sự đáp trả những mối đe dọa. Chiến tranh vốn phức tạp. Vì vậy Nit là một mặt của nữ thần Sekhmet tàn bạo và giận dữ.
Nữ thần Hut Heru và nữ thần Sekhmet là hai mặt của cùng một đồng xu, nhưng họ tự đi riêng, với vẻ mặt và danh tính khác nhau. Trái lại, nữ thần Nit là tổng thể đồng xu, tốt xấu lẫn lộn không thể tách biệt. Và hơn bất cứ ai, nàng cảm nhận nhiều hơn cái tổng thể, bởi, như nàng thấy, đó chính là cách mà thế giới này tồn tại – không chỉ một màu, không chỉ là xấu hoặc tốt, mà là tổng thể cầu vồng, tổng thể dải màu từ tương hợp đến tương khắc.
Nit mang một chiếc khiên mà một số người cho rằng ở phía bên có vẽ con số tám. Một số người lại cho rằng đó là biểu tượng của vô tận. Nhưng thực ra, đó là nét vẽ hai con bổ củi đối đầu nhau. Nit thích con bổ củi. Nó không phô phang như con bọ hung mà Ra rất quý. Nit thích sự khiêm nhường. Nhưng, còn hơn thế, con bổ củi luôn làm bạn ngạc nhiên. Nếu muốn, nó có thể nhảy lên trên không với một tiếng bật mạnh và bay đi rất xa. Nit thích điều đó; suỵ cho cùng, cuộc sống đầy những bất ngờ. Cuộc sống có thể tự trôi chảy cách này hay cách khác, để cho bạn tìm kiếm cái mà bạn cho là ở ngay trước mắt mình vừa mới đấy thôi, để bạn tự hỏi đâu là thật và đâu là ảo.
Có thể do vai trò là nữ thần chiến tranh mà cũng có thể không, nhưng Nit cũng là nữ thần săn bắn. Nàng giúp người ta ngắm con mồi và bắn hạ nó. Lại thêm một cách nàng bảo hộ việc hôn nhân: Các gia đình có được cái ăn.
Nàng cũng lấy chồng; nàng là vợ thần Khnum. Không lâu sau nàng là mẹ của hai con trai. Một là thần cá sấu Sobek mà nàng nuôi nấng với tình yêu thương, và có lẽ bởi thế chăng loài vật này không bao giờ trở nên độc ác. Người kia là thần Apep, được sinh ra một cách ngẫu nhiên khi Nit vỗ về bể nước Nun. Apep lập tức lặn xuống vực sâu cõi âm, như một con rắn quỷ tấn công con thuyền Mesektet của Ra mỗi đêm và rồi bị đâm, máu thần phun ra khắp nơi, để rồi chữa xong lại đánh tiếp đêm hôm sau. Việc cả hai con nàng đều thuộc về nước là có ý nghĩa – Nit là phần mở rộng của Nun. Việc một người thích ở trên trần và một thích ở dưới cõi âm cũng là có ý nghĩa – Nit luôn luôn là sự pha trộn, luôn luôn là nửa thế này và nửa thế kia. Chúng ta chẳng thế cả sao?