Trong thế giới thần linh, thần Sét là một vị hung dữ, mặt mũi nanh ác, quát tháo dữ dội, mình mẩy đen thui chỉ vận một cái khố, lưng đeo trống, tay cầm một lưỡi búa đá. Thần Sét chuyên thi hành lệnh Trời theo luật thiên đình đã xử công việc ở trần gian. Hành động của Thần biểu lộ sự thịnh nộ của Trời. Theo lệnh trời, thần Sét xử phạt những người gây nên tội ác có hại đến nhân mạng mà khéo che đậy hoặc luật pháp trần gian không xét xử đến. Thần Sét củng đánh những ma quỷ loài vật, cây cỏ tu luyện thành tinh rồi tìm cách hãm hại người trần…
(Đọc thần thoại hay Thần thoại về Thần Lửa)
Mỗi lần xử án, thần Sét thường đánh trống đeo bên mình làm thành tiếng sấm (cho nên người ta cũng gọi thần Sét là ông Sấm) rồi thần tự trên trời nhảy xuống tận nơi, trỏ ngọn cờ vào đầu tội nhân, bổ ngay búa vào đầu. Có khi thần bỏ luôn lưỡi búa đã đánh tội nhân vì bận việc phải đi nhiều nơi. Do đó mà thỉnh thoảng người ta lượm được lưỡi tầm sét của thần Sét quẳng lại trên mặt đất.
Thần Sét thường ngủ về mùa đông, vào khoảng tháng hai, tháng ba mới thức dậy đi làm việc.
Tính tình thần Sét cực kỳ nóng nẩy, hễ được lệnh Trời sai là đi ngay, thấy là đánh liền cho nên có lúc đánh lầm làm cho người vật chết oan. Vì thế mà thần Sét có lần bị Trời phạt vì đánh lầm, hại người vô tội. Thần Sét bị Trời bắt nằm yên không được cựa quậy ở một góc rừng trên trời. Con gà thần của Trời thỉnh thoảng lại đến mổ một cái đau điếng mà thần Sét đành phải nằm im. Cho nên sau khi được tha rồi, thần Sét có thói quen hễ nghe thấy tiếng gà là giật mình. Do đó mà mỗi lần sấm chớp, sợ thần Sét xuống, người ta thường bắt chước tiếng gà gọi để dọa thần Sét tránh đi nơi khác.
Từ khi chịu ảnh hưởng thần thoại của Trung Quốc, người Việt Nam cũng gọi thần Sét là Thiên lôi, hay Lôi công …
Thần Sét một mình không làm hết được mọi việc, phải nhờ đến các thần khác như thần Chớp dùng cái gương tròn cầm ở tay để làm nên những làn chớp, thần Mưa dùng gương rút nước ở trong cái bình mang theo mình để làm mưa. Thần Mây dồn mây lại, thần Gió thổi gió đến, mỗi lúc thần Sét đánh trống làm sấm báo hiệu sắp đi xử án Trời. Thần Sét cũng nhờ đến vợ là bà Sét giúp sức nữa, hoặc có khi phải nhờ đến người mới làm xong phận sự, theo những câu chuyện sau đây:
Một hôm, có một người thợ săn đuổi theo con thú vào đến giữa rừng sâu, gặp phải cơn giông tố dữ dội. Chớp nhoáng đầy trời, sấm chuyển dậy đất, người thợ săn ngước mắt lên trông thấy trên cây cổ thụ to lớn một đứa bé tay cầm một mảnh vải đỏ buộc vào một nhánh cây, hễ thất thần Sét xuống gần thì đứa bé phất cái cờ làm cho thần Sét phải lùi ngay. Cũng như các thần, thần Sét rất sợ các vật ô uế, nhất là máu chó mực, người thợ săn đoán chừng đứa bé kia là một thứ yêu tinh bị thần Sét theo đuổi mới dùng miếng vải ô uế để kháng cự. Để giúp thần trị loài yêu quái, người thợ săn mới lắp tên, nhằm bắn rơi chiếc cờ ở tay đứa bé, tức thì thần Sét giáng xuống đánh ngay vào đầu ngọn cây. Người thợ săn đứng quá gần cũng ngã lăn bất tỉnh, đến khi tỉnh lại thấy ở trên mình một mảnh giấy ghi dòng chữ cho sống thêm 12 năm vì đã giúp thần Trời được việc, còn ở gốc cây bị sét đánh thấy xác một con kỳ đà khổng lồ, tức là đứa bé yêu quái cầm cờ hiện nguyên hình.
Khảo dị: Thần Sét
Trong đám tướng tá của Ngọc Hoàng trước tiên phải kể đến thần Sét. Thần Sét hoặc có danh hiệu là Thiên lôi, cũng có khi gọi là ông Sấm, thần mặt mũi rất nanh ác, tiếng quát tháo rất dữ dội. Thần chuyên một việc thi hành luật pháp ở trần gian, hành động của thần phản ánh sự thịnh nộ của Ngọc Hoàng. Thần có một lưỡi búa đá. Khi xử án kẻ nào dù là người, là vật, là cây cỏ thì thần tự mình nhảy xuống tận nơi trỏ ngọn cờ vào đau tội nhân rồi dùng lưỡi búa bổ lên đầu, chứ không chém vào cổ. Có khi thần không mang lưỡi búa lên theo mà quẳng luôn tại đó. Thần thường ngủ về mùa đông vào khoảng tháng hai tháng ba mới lại dậy làm việc.
Tính thần Sét rất nóng nẩy: hễ Ngọc Hoàng sai là đi ngay, hễ thấy là đánh liền cho nên cũng có lúc làm cho người, vật chết oan. Vì thế mà thần Sét đã có lúc bị Ngọc Hoàng phạt vì đánh lầm giết hại kẻ vô tội. Người ta kể chuyện có lần thần bị bắt nằm im một nơi không cựa quậy ở trong một đám rừng ở Thiên đình. Con gà thần của Ngọc Hoàng được lệnh thỉnh thoảng lại mổ một cái làm cho thần đau nhói cả người nhưng không biết làm thế nào được. Khi được Ngọc Hoàng tha, thần có thói quen hễ nghe thấy tiếng gà là giật mình. Mỗi lần có chớp rạch, biết thần Sét sắp xuống, người hạ giới thường bắt chước tiếng gọi là để dọa thần có lẽ cũng là vì cớ đó.
Thần Sét kể ra thì cực oai, cực dữ, nhưng không ai có thể tưởng tượng được rằng thần bị thua Cường bạo đại vương. Mặc dầu ông Cường Bạo sau rồi cũng bị thần Sét đánh chết nhung câu chuyện nào đã một dạo làm cho cả thiên đình xấu hổ.