Lê Quí Đôn quê ở làng Duyên Hà, huyện Duyên Hà phủ Tiên Hương trấn Sơn Nam – nay là xã Duyên Hà huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình. Sinh năm 1726, mất năm1784 khi đang tại chức, thọ 59 tuổi.
Là con trai đầu của Tiến sĩ Lê Trọng Thứ – một danh sĩ thời cuối Lê, ngay từ nhỏ Lê Quí Đôn đã nổi tiếng thần đồng, học đâu nhớ đấy và có tài ứng biến.
Năm 18 tuổi, Lê Quí Đôn đỗ Giải nguyên (đỗ đầu thi Hương), năm 24 tuổi đỗ đầu thi Hội (Hội nguyên). Năm 27 tuổi đỗ đầu thi Đình (Đình nguyên), nhưng khoa này không có Trạng nguyên, vì vậy, trong làng Khoa bảng Lê Quí Đôn chỉ có danh vị “Đình nguyên Bảng nhãn”. Về đường quan chức, Lê Quí Đôn làm đến Thượng thư bộ Công, khi mất được truy tặng tước Dĩnh quận công (dưới triều Lê Hiển Tông).
Sinh thời, từ khi còn trẻ cho đến tận lúc cuối đời, tuy làm quan bận bịu nhiều việc, nhưng trên tay Lê Quí Đôn không lúc nào rời quyển sách. Ông đọc “Thiên kinh vạn quyển” và khối lượng trước tác để lại cũng thật đồ sộ, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau – được giới nghiên cứu thời nay đánh giá là nhà bác học.
Xung quanh Lê Quí Đôn có nhiều câu chuyện vừa thực vừa mang màu sắc huyền bí, trong đó phần lớn thể hiện sự thán phục, ngưỡng mộ của những người đương thời đối với ông.
Sau đây, chúng tôi chỉ xin lượm lặt và ghi lại một vài mẩu chuyện tiêu biểu.
*
* *
Tương truyền, khi quan Hữu thị lang bộ Hộ Lê Trọng Thứ và phu nhân Trương Thị Ích (con gái tiến sĩ Trương Minh Lượng) lấy nhau đã hai năm mà chưa có con, nên nhân một chuyến công du về miền Sơn Nam hạ, đã đến cầu tự ở miếu Soi ven sông Hồng, thuộc làng Khả Duy (Hà Nam).
Đêm ấy sau buổi đi cầu tự về, bà Ích đang còn ngồi ở trên ghế (trong nhà trọ) thì thiếp ngủ, và mơ màng thấy có tiếng trẻ học bài ở ngay cạnh miếu, bà lắng tai nghe, nhưng mở mắt nhìn thì không thấy ánh đèn. Một lát sau, khi tiếng học vừa dứt, thì trước mắt bà hiện ra một đứa trẻ tóc còn để chỏm, hai tay chắp lại lễ phép xin bà nhận làm con. Bà vô cùng mừng rỡ, vội dang hai tay ra đón lấy nó, nhưng đúng lúc ấy thì giật mình tỉnh giấc. Sau đó mấy ngày, bà có mang, rồi về sau sinh ra Lê Quí Đôn.
Mô típ “mơ thấy tiếng trẻ con học bài” rồi về sau “sinh ra quí tử” – các nhà khoa bảng tương lai, hoặc những mô típ tương tự, có thể tìm thấy trong tiểu sử của khá nhiều danh nhân thời trước, sau khi “hoá” họ được lập làm “thần Thành hoàng” và có “thần tích” (gần đây như Vũ Phạm Hàm, Đặng Thai Mai – tuy không là thần Thành hoàng, nhưng cũng có sự tích tương tự!).
Lại nói về Lê Quí Đôn, khi bà mẹ sắp sinh ra thì ông bố lại nằm mơ, thấy có đứa trẻ đến gõ cửa mà nói: “Xin cho tôi được vào nhà để làm con nối dõi”. Ông Thứ (tức ông bố) hỏi họ tên, đứa trẻ trả lời: “Họ Đặng, tên Xuân”. Ông Thứ lại hỏi: “Xin ở mấy năm?”. Trả lời: “Mười năm”. Ông Thứ lắc đầu. Đứa trẻ lại trả lời: “Hai mươi năm”. Ông Thứ vẫn cứ lắc đầu: “Không được”.
Cứ như thế, đứa trẻ tăng dần thời gian: 30, 40, rồi 50 năm, nhưng ông Thứ đều một mực lắc đầu không nhận, và không mở cánh cửa.
Đến khi đứa trẻ nói: “Sáu mươi năm”, thì ông Thứ, tuy hãy còn đôi chút bần thần, nhưng đã gật đầu và rút chốt cánh cửa. Đứa trẻ bước vào, rồi thoắt một cái đã thấy nó biến mất. Ông Thứ bàng hoàng, đang còn tiếc nuối vì chưa nhìn rõ mặt mũi thằng bé thế nào, thì bỗng đâu đã nghe tiếng trẻ con khóc, vọng ra từ buồng vợ. Ông giật mình, tỉnh hẳn giấc mộng.
Đến sáng ngày hôm sau (lẽ ra thời ấy phải sau ba ngày!) ông Thứ đã đi vào buồng vợ để nhìn mặt đứa con. Ông vô cùng mừng rỡ khi thấy gương mặt nó đầy đặn, sáng sủa, nhưng sau đó cũng lại chạnh niềm: “Nó chẳng thể qua được tuổi lục tuần”.
Ông Thứ “đặc biệt” giấu kín chuyện mộng mị của mình với vợ, mặc dù trước đó, khi bắt đầu mang thai Quí Đôn, bà Ích đã từng nói với ông về giấc mộng sau lần đi cầu tự ấy. Chỉ đến khi Lê Quí Đôn qua đời, cụ Thứ lúc ấy đã ngoại bát tuần, mới kể chuyện này cho các con cháu. Và có lẽ, do biết trước được “số trời” của Lê Quí Đôn, nên người cha đã “chạy đua với thời gian” bằng cách để hết tâm trí vào việc dạy dỗ cho con mau chóng nên người và hiển đạt. Quả nhiên, Lê Quí Đôn “thần đồng” đã không phụ lòng mong đợi của người cha.
*
* *
Về lời đồn đại Lê Quí Đôn nổi tiếng “thần đồng” của người đương thời, không phải chỉ là lời đồn đại suông. Cũng không phải là những lời “thêm vào” sau khi Lê Quí Đôn đã hiển đạt – như ta thấy ở không ít những nhân vật khác, trước và sau ông.
Do bẩm tính thông minh, lại được người cha nêu gương sáng (Thuở nhỏ Lê Trọng Thứ cũng là người nổi tiếng chuyên cần, ham học!) và rèn cặp cho từ bé, cho nên Lê Quí Đôn khi vừa biết nói, thì cũng là lúc bắt đầu được tiếp xúc với sách vở. Lên 2 tuổi đã thuộc được khá nhiều mặt chữ. Lên 5 tuổi đã đọc và thuộc được các bài thơ trong sách “Kinh thi”. Lên 7 tuổi đã có tài ứng đối (chẳng hạn, ông bố đọc “Tứ mục” thì con đối ngay “Tam xuyên” hoặc chỉ vào người mà nói chữ “Thái” chứ không phải chữ “Đại” v.v…). Và do đọc nhiều, nhớ kỹ, nên đến năm 12 tuổi, sử ta sử tàu – hỏi đến đâu là Lê Quí Đôn đều trả lời đến đấy vanh vách. Chẳng những nhớ các sự kiện lịch sử, mà Lê Quí Đôn ngay từ lúc ấy, đã biết biện bạch cặn kẽ (tức phân tích) đến từng chi tiết, khiến nhiều người có học đương thời cũng phải sửng sốt ngỡ ngàng.
*
* *
Về tài nhớ “thần đồng” của Lê Quí Đôn, người ta đã truyền tụng kể lại câu chuyện sau đây:
Thuở Lê Quí Đôn còn trẻ (khoảng 13 – 14 tuổi) một hôm theo người nhà sang huyện bên cạnh chơi, trong một gia đình phú hộ. Chủ nhà, do nghe danh mến mộ, nên mời lưu lại vài ngày để giúp ông sao lục lại các văn tự cầm cố, mua bán từ rất nhiều năm trước, được bó vào thành 4 bó lớn, đang tấp đầy ở trong tủ. Lê Quí Đôn vui vẻ nhận lời. Tưởng chỉ là việc sao lục, nếu có làm hộ thì cũng chẳng cần nhớ làm gì, vậy mà đối với Lê Quí Đôn, lại hoàn toàn không như vậy. Ông vừa ghi vừa nhớ như in nội dung các tờ. Vả chăng, đây lại là những giấy tờ hệ trọng, liên quan đến cơ nghiệp của gia đình mà ông có cảm tình. Hơn nữa, qua đó lại có thể biết được nhiều điều thú vị khác, có liên quan tới cả làng, cả vùng này – nếu biết được thì càng hay chứ chẳng hại gì.
Vậy mà, cho đến khoảng 15 năm sau, khi ấy Lê Quí Đôn đã đỗ Đình nguyên Bảng nhãn và đang làm quan trong triều, thì bỗng một hôm, có vụ kiện từ vùng Sơn Nam hạ chuyển tới, xảy ra ngay giữa triều đình. Nguyên đơn là vị phú ông mà Lê Quí Đôn đã sao lục văn tự cho hồi trước, còn nơi nhận đơn để xử là Ngự sử đài. Nội dung vụ kiện là do nhà vị phú ông bị cháy, các văn tự mua bán cũng bị cháy theo, vì thế, các con nợ “vỗ nợ” không chịu trả những gì phải trả.
Vụ kiện thật nan giải. Vì không xử được ở phủ ở trấn, nên phải mang lên đến Ngự sử đài. Rồi cả Ngự sử đài cũng chịu, lại phải đem ra giữa triều đình xử chung. Giữa lúc từ chúa Trịnh cho đến các vị đại thần có mặt đều ngơ ngác, thì Lê Quí Đôn, do nhớ mặt vị phú ông, nên gọi ông ta lại mà bảo:
– Ông mang giấy bút ra đây, tôi sẽ đọc lại cho ghi đủ số văn tự đã mất đó.
Vị phú ông mừng quýnh, vội xin phép ra ngoài lấy giấy bút và nhờ một giám sinh đến ghi cho.
Khi vị phú ông quay lại và giám sinh ngồi vào bàn, thì Lê Quí Đôn liền đọc luôn một hồi, khiến cho vị giám sinh này đôi lúc phải xin ông chậm lại, để ghi cho kịp.
Chúa Trịnh Sâm đang có mặt, và là người cao nhất để xử vụ án, thấy vậy, bảo cả hai người dừng lại để hỏi cho rõ nguyên cớ vì sao. Lê Quí Đôn tâu lại các việc từ đầu, và cam đoan rằng những vụ việc và con số đọc ra, đều đúng y nguyên như trong văn tự cũ.
Cả triều đình ngạc nhiên, ngay chúa Trịnh cũng cảm thấy khó tin, bèn bảo viên Thượng thư bộ Lễ mang sổ sách ghi chép tên tuổi, quê quán của bách quan ra, để mọi người thay nhau đọc. Khi các quan đọc xong, chúa Trịnh truyền cất hết sổ sách đi, rồi bảo ai nhớ được đến đâu thì hãy đọc lên nghe thử. Các quan thay nhau đọc, nhưng do trí nhớ có hạn, nên người giỏi nhất cũng chỉ nhớ được khoảng 20 tên. Đến lượt Lê Quí Đôn, ông ứng khẩu đọc vanh vách từ đầu đến cuối, không bỏ sót tên nào, và cũng không sai bất kỳ một chi tiết nhỏ nào.
Cả chúa Trịnh Sâm và các quan có mặt đều lắc đầu thán phục, cho Lê Quí Đôn là bậc kỳ tài, rồi sau đó, vụ kiện đã được xử êm, do đã khôi phục được các bằng chứng cụ thể.
*
* *
Về tài ứng đối và ứng khẩu hài hước của Lê Quí Đôn, cũng được nhiều người đương thời truyền tụng bằng một câu chuyện khác, có nội dung như sau:
Một hôm, sau buổi thiết triều còn sớm, bách quan lại có mặt đông đủ, nên chúa Trịnh Sâm muốn “giải trí” bằng cách đưa ra lệ: các quan thay phiên nhau, mỗi người phải ứng khẩu kể một câu chuyện vui, nếu câu chuyện nào làm cho mọi người cùng cười, thì được thưởng, nếu không, sẽ bị phạt.
Khi lệ của chúa ban ra, mọi người đều hưởng ứng, nhưng đến lúc phải “xung phong” kể đầu tiên, thì ai nấy lại ngại ngùng, vì việc ấy đâu có dễ dàng. Thấy không khí im ắng để lâu sợ sẽ mất vui, chúa Trịnh Sâm bèn vừa cười vừa chỉ ngay vào Lê Quí Đôn, “bắt” ông phải lên tiếng trước.
Nhiều người tái mặt, trong bụng lo thay cho Lê Quí Đôn, vì nghĩ chắc gì ông đã vượt qua được. Thế nhưng nỗi lo ấy, ngay sau đó đã được giải toả và từ chúa cho đến bách quan, đều bị cuốn hút vào câu chuyện của ông – một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt, nhưng sức ám chỉ và sự hài hước thì lại vô cùng hiểm hóc. Ông kể:
“Từ ngày xưa, trời đã có lệ hàng năm mở khoa thi “vượt vũ môn”, để các loài cá, nếu vượt qua được thì sẽ hoá thành rồng, mà bay đi tới miền cực lạc.
Năm ấy, cá chép, cá rô, cá trê đều có mặt để ứng thí. Thấy thế, một chú cóc cũng chuẩn bị hành trang, tấp tểnh lên đường. Khi cả bốn tới cửa trường thi, viên lực sĩ đứng canh, nhìn thấy cóc thì ngạc nhiên quá, bèn quát to lên rằng:
– Này tên cóc kia, bụng da to sù, đi lại còn khật khưỡng, làm sao lại dám đến ứng thí, không sợ thiên hạ trông thấy thì ôm bụng mà cười cho à?
Cóc vênh mặt, trợn mắt lên, rồi hỏi lại viên lực sĩ:
– Này, chẳng cứ gì ta đâu. Thế ta hỏi: tại sao anh cá rô bé nhỏ kia cũng còn vào đây thi được?
Lực sĩ trả lời:
– Cá rô tuy bé nhỏ, nhưng còn có vây cứng vảy chắc, có thể giương lên mà vượt qua thác được.
Cóc vẫn không chịu thua, hỏi tiếp:
– Cứ cho là như thế. Nhưng còn anh cá trê người mềm oằn oặt, thì không sợ bị nước cuốn trôi đi à?
Lực sĩ lại trả lời:
– Người cá trê tuy mềm, nhưng lại có đuôi dài và khoẻ, như thế toàn bộ thân thể uốn lượn theo dòng thác mà lên.
Cóc hoàn toàn đuối lý, chẳng lẽ lại nói mình có thể nhảy một cái là qua dòng thác lớn được ư? – Vì thế nên đành đấu dịu mà nói:
– Chẳng dấu gì anh lực sĩ. Ngày trước tôi sinh ra vốn cũng có đuôi như anh cá trê, nhưng về sau muốn được lên bờ để hầu hạ người nên đã tự làm đứt đuôi đấy, vì thế khi xuống nước bơi lội cũng có kém. Xin anh hãy nể tình cho tôi vào. Nay gọi là có chút quà, mong anh nhận giúp.
Viên lực sĩ lắng nghe, lúc trước còn gật gật đầu, nhưng đến đoạn quà cáp thì nổi cơn tam bành mà quát vào mặt cóc: “Xéo ngay!”, đồng thời cũng chĩa ngọn giáo ra, làm cho cóc được một phen hú vía, đành phải đánh bài chuồn thẳng”.
Cả triều đình im phăng phắc, dõi theo từng lời kể thản nhiên như không của Lê Quí Đôn. Thế nhưng, đến đoạn “Cóc tự làm đứt đuôi” và đưa hối lộ thì các cặp mắt lại đổ dồn, nhìn vào viên hoạn quan Thái Thịnh – lúc ấy đang cầm chiếc quạt lông, thỉnh thoảng lại giơ lên phe phẩy cho chúa Trịnh Sâm, như thể ta đây mới thực là quan trọng và cần thiết cho chúa vậy.
Trong hàng ngũ các quan, đã bắt đầu thấy có tiếng cười nhỏ, còn đến khi câu chuyện kết thúc, thì mọi người, kể cả chúa Trịnh Sâm, đều lăn ra mà cười, khiến cho viên hoạn quan chỉ còn biết đứng nghiêm như trời trồng, chiếc quạt cầm trên tay buông thõng.
Đại đa số các quan đều biết lai lịch và con đường tiến thân của viên hoạn quan này. Trong lòng họ đều muốn có dịp được phỉ nhổ vào mặt hắn cho bõ ghét, vì vậy, câu chuyện của Lê Quí Đôn đã làm cho mọi người đều hoan hỷ lên như vậy.
*
* *
Về tài năng của Lê Quí Đôn, nhất là về phương diện trước tác, đương thời ai ai cũng phải nể phục vì sự uyên bác và chuyên cần của ông. Thế nhưng, sống vào thời buổi “mọi người đều phải chen chúc nhau trong vòng danh lợi” thì cách ứng xử “đứng ngoài nhìn vào” cũng đồng nghĩa với việc “tài năng sẽ bị mai một” dần. Lê Quý Đôn đã chọn cách “tích cực nhập thế” với tất cả “tài năng và sự năng nổ của mình”, vì thế, cũng không tránh khỏi có lúc bị “sa đà”.
Ấy là việc, hễ đi đến đâu, vì muốn được tận mắt chứng kiến để có thể qua đó mà suy ngẫm và ghi chép, nên Lê Quý Đôn thường bắt dân chúng và thuộc hạ phải làm thêm việc này việc khác, vì vậy, đã gây thêm cho họ sự oán thán, kêu ca là “quan lại hay sách nhiễu”.
Hoặc như việc, do phải đi công cán nhiều nơi lại hay vùi đầu vào sách vở, nên phần nào Lê Quý Đôn cũng xao nhãng việc giáo dục con cái. Đến nỗi một người con trai là Lê Quý Kiệt, tuy không phải học dốt nhưng lại cầu toàn, đã nhờ bạn là Đinh Thì Trung đi thi hộ (trong kỳ thi Hội). Việc bại lộ, Lê Quý Kiệt bị giáng làm thường dân, phải đuổi về quê, còn Đinh Thì Trung thì bị đầy ra miền ven biển Vạn Ninh (thuộc Quảng Ninh ngày nay).
Lê Quý Đôn chắc không chủ trương việc này, nhưng dẫu sao thì ông vẫn bị mang tiếng với thiên hạ. Vì vậy, trong sự nghiệp của Lê Quý Đôn, tuy được nhiều người đương thời thán phục, nhưng trong đám đồng liêu, cũng có đôi người dị nghị, cho là ông “ham hố” chẳng giữ mình. Chứng cứ mà họ dựa vào, xem ra khó có thể bác bỏ, nhưng nếu đọc kỹ các trước tác của Lê Quý Đôn, ta có thể hiểu và thông cảm được với ông, bởi vì dẫu sao thì trí tuệ và khả năng bao quát các vấn đề thực tế trong một con người, không phải bao giờ cũng song hành, và không phải bao giờ cũng là vô hạn.
(Đọc thêm truyền tuyết hay: Lê Quý Đôn giai thoại: Biết thì nói là biết)