Trước mặt chàng là một thành phố to lớn và lộng lẫy, dân vùng này gọi là Milanô. Chàng tìm được một ông chủ người Đức thuê chàng làm. Ông chủ là một cụ già trung hậu, người vợ hiền lành và rất ngoan đạo. Hai vợ chồng đều thấy mến anh thợ người nước ngoài, ít nói nhưng hay làm, thật thà và ngoan đạo.
Knút tưởng chừng như Thượng Đế đã giải thoát cho chàng khỏi nỗi sầu nặng trĩu trong lòng. Chàng thích leo lên tận cùng của giáo đường Đômơ làm bằng cẩm thạch trắng như tuyết, nơi quê hương chàng. Chàng thường đi dưới những ngọn tháp nhọn, những lầu chuông nhọn hoắt và những cửa tò vò. Từng góc, từng vòm có những pho tượng mỉm cười với chàng. Phía trên là trời xanh biếc, phía dưới là thành phố, rồi đến đồng bằng bát ngát xứ Lômbácđi xanh tươi và tít đằng xa là những ngọn núi cao. Chàng nhớ tới nhà thờ Kgiôêgiê, nhớ tới những bức tường đỏ phủ đầy hoa trường xuân. Thật khác xa với nhà thờ lớn ở thành Milăng! Chàng không mong nhìn lại chốn ấy, chàng không muốn trở lại nơi xưa. Chàng mong được gửi lại nắm xương bên những núi non này. Chàng sống ở thành phố này đã được một năm, và thế là xa tổ quốc đã được ba năm.
Một hôm ông cụ chủ nhà muốn cho chàng được khuây khoả, dẫn chàng không phải đến trường đua xem tài các kỵ mã mà là đến kịch viện của thành phố. Chỉ riêng toà nhà cũng thật đáng xem rồi. Bảy tầng chỗ ngồi sang trọng chia thành từng ngăn, rèm cuốn bằng thứ lụa mịn. Những bà sang trọng ăn mặc như đi dự hội khiêu vũ, tay cầm hoa, ngồi từ hàng ghế thứ nhất cho đến tít trên thượng tầng. Các quý ông cũng mặc lễ phục, áo quần nhiều vị đầy những vàng bạc, sáng như ban ngày. Âm nhạc vang lên tuyệt diệu, đây đẹp hơn nhà hát Côpen hagơ nhiều lắm, nhưng ở thủ đô lại có Gian.
Nàng cũng có mặt tại đây. Phải, dường như có phép lạ. Mà sân khấu cuốn lên rồi kìa! Gian đã hiện ra, mình đầy lụa là châu báu, đầu đội chiếc mũ miện bằng vàng. Nàng cất giọng hát, chỉ có tiên trên trời mới hát được như nàng. Nàng tiến hẳn ra phía trước sân khấu, mỉm cười, và chỉ có nàng mới có nụ cười đẹp như vậy. Nàng nhìn đúng vào Knút. Chàng thanh niên nắm lấy tay ông cụ chủ nhà hét to: “Gian!” Nhưng âm nhạc át mất tiếng chàng và chỉ có mình ông cụ nghe thấy thôi. Ông cụ gật đầu bảo: “Phải đấy, đúng cô ta tên là Gian đấy!” Đồng thời cụ rút ra một tờ giấy in và chỉ vào tên Gian in rõ ràng và chạy suốt cả trang giấy. Đâu có phải là trong mộng? Tất cả cử toạ hoan nghênh nhiệt liệt, tung hoa từng bó, từng vòng lên sân khấu. Mỗi lần Gian rời sân khấu người ta lại gọi nàng lại, nàng quay ra, lùi vào, rồi lại quay ra.
Sau buổi biểu diễn, người ta chen chúc nhau quanh xe nàng. Người ta tháo ngựa ra để tự tay kéo xe nàng, trong đó Knút đi hàng đầu. Chàng sung sướng và vui như điên, hơn cả những người khác. Khi chiếc xe dừng trước toà nhà rực rỡ ánh đèn, nơi Gian ở, chàng len vào đứng gần cửa xe. Gian bước xuống, ánh đèn chiếu thẳng vào khuôn mặt xinh tươi của nàng. Nàng hết sức cảm động, mỉm cười cảm tạ mọi người, với một cách dịu dàng đáng yêu. Knút nhìn thẳng vào mắt nàng, nàng cũng nhìn chàng, nhưng không nhận ra chàng là ai cả. Một người đàn ông trẻ, ngực lấp lánh một ngôi sao bằng kim cương giơ tay ra cho nàng khoác. Người ta xì xào:
– Họ đã đính hôn với nhau rồi đấy!
Knút về nhà thu xếp hành lý. Chàng muốn và thấy cần phải quyết định trở về quê hương, về bên gốc hương mộc, về dưới bóng liễu. Phải, dưới bóng liễu, chỉ trong một tiếng đồng hồ, con người ta có thể ôn lại cả cuộc đời mình trong tâm trí.
Vợ chồng ông cụ chủ nhà cố hết sức giữ chàng lại với họ. Nhưng nói thế nào chàng cũng không nghe. Họ nhắc chàng sắp đến mùa đông rồi và tuyết đã bắt đầu rơi trên núi. Chàng đáp: “Thế nào xe cộ chẳng phải mở đường mà đi, cháu sẽ đi theo vết bánh xe mà tìm đường về.”
Chàng đeo hành lý chống gậy ra đi, leo lên rồi lại xuống núi. Đã mệt rồi mà chàng chưa trông thấy làng mạc nhà cửa gì cả. Chàng hướng về phương Bắc. Sao lấp lánh quanh mình chàng. Bước chân lảo đảo, đầu choáng, mắt hoa, chàng nhìn thấy sao lấp lánh cả dưới đáy thung lũng tưởng chừng như dưới chân cũng có một trời như trên đầu chàng vậy.
Chàng cảm thấy ốm yếu. Các vì sao dưới chân cứ nhiều mãi lên, mỗi lúc mỗi sáng hơn và chuyển động từ chỗ này qua chỗ khác. Đó là ánh sáng đèn của một thành phố nhỏ. Khi nhận ra điều ấy, chàng thu hết tàn lực lần đến một quán trọ nghèo nàn.
Chàng lưu lại đó đêm ấy và suốt cả ngày hôm sau. Chàng cần được nghỉ ngơi và chăm sóc. Băng tuyết tan. Thung lũng bắt đầu có mưa. Sáng sớm hôm sau có một cặp nghệ nhân già đi tới dạo một bản nhạc giống hệt như một khúc điệu êm đềm nước Đan Mạch.
Knút không thể nào lưu lại lâu hơn nữa, chàng lại lên đường đi về phương Bắc, ròng rã bao ngày, chàng vội vã như sợ rằng tất cả mọi người sẽ chết trước khi chàng kịp về tới nơi. Chàng chẳng hề nói rõ duyên cớ với một ai cả. Không ai có thể biết căn nguyên nỗi buồn của chàng, nỗi buồn sâu sắc nhất của một con người. Thiên hạ và ngay cả những bản thân của chúng ta nào ai quan tâm đến một nỗi đau khổ như vậy, nhất là Knút lại không có bạn. Như một người khách lạ, chàng đi qua những xứ xa lạ, đi mãi về phương Bắc. Trời sập tối. Chàng đi theo đường cái quan. Trời lại bắt đầu giá rét. Cảnh vật nơi đây lại bằng phẳng, người ta lại nhìn thấy đồng cỏ, ruộng nương. Bên đường có một cây liễu to. Tất cả đều gợi cho Knút cảnh vật chốn quê hương. Chàng mệt quá, ngồi xuống gốc cây liễu và gục đầu nhắm mắt, ngủ thiếp đi.
Tuy thế chàng vẫn nhận thấy cây liễu vươn cành xà thấp xuống mình chàng, dường như một ông lão cường tráng. Phải, đấy chính là bố Liễu già giơ tay đón chàng, đưa đứa con trai mệt mỏi và kiệt sức về quê hương xứ sở, bên bờ biển phẳng lặng vùng Kgiôêgiê. Phải, đấy là bố Liễu hiện thành người đi khắp nơi tìm đứa con trai, đã tìm thấy Knút và đưa chàng về khu vườn cũ bên bờ suối. Gian đã đứng đó, đầu đội chiếc mũ miện vàng như lần cuối cùng chàng thấy nàng. Từ xa, nàng đã reo lên: “Hoan hô anh Knút.”
Hai khuôn mặt đặc biệt cùng hiện ra trước mắt chàng. Chàng biết họ từ lúc còn bé, nhưng giờ đây họ giống người thật hơn hồi xưa. Họ đã đổi khác, khá hơn trước nhiều lắm. Đây là anh con trai và chị con gái bằng bánh ngọt năm xưa, họ quay mặt về phía chàng, và nom diện mạo họ quả là khoẻ mạnh và tươi tắn. Họ bảo chàng:
– Chúng tôi cảm ơn anh đã giúp chúng tôi một việc lớn. Anh đã mở miệng cho chúng tôi, đã dạy chúng tôi chớ nên lặng yên, không thổ lộ lòng mình, không thế thì chẳng đi đến kết quả gì cả. Do đó chúng tôi đã đạt mục đích và đã đính hôn với nhau.
Nói rồi họ cầm tay nhau đi trong phố xá Kgiôêgiê. Nom họ có vẻ dễ coi, và ngay cả khi nhìn vào mặt trái, họ cũng chẳng có gì đáng phàn nàn cả. Họ đi về nhà thờ, Knút và Gian cũng nắm tay nhau đi theo họ. Ngôi nhà thờ vẫn còn đó như xưa, với những bức tường lúc nào cũng phủ đầy dây trường xuân xanh tươi. Cửa lớn mở rộng cánh. Tiếng đại phong cầm vang lên. Họ bước vào gian giữa giáo đường lớn. Cặp vợ chồng bánh ngọt bảo: “Mời thầy giáo và cô giáo lên trước!” rồi họ nhường cho Knút và Gian quỳ trước bàn thờ chúa. Gian gục đầu vào mặt Knút. Từ mắt nàng lăn ra những giọt lệ lạnh buốt. Tình yêu nồng nàn của Knút đã làm tan khối băng giá xung quanh trái tim nàng. Lúc ấy chàng chợt tỉnh dậy và thấy mình đang ngồi dưới một gốc liễu già, tại một xứ xa lạ, trong một đêm đông giá rét. Mưa đá quất vào mặt chàng. Chàng tự nhủ: “Giờ phút này là giờ phút đẹp nhất đời ta, thế mà lại là một giấc mơ! Xin Thượng Đế hãy cho tôi lại được mơ nữa như thế!” Chàng lại nhắm mắt ngủ thiếp đi và lại mơ.
Về sáng tuyết bắt đầu rơi và theo gió phủ lên mình chàng. Chàng vẫn ngủ. Dân các xóm lân cận đi lễ qua đấy. Họ trông thấy một người nằm bên đường. Đó là một anh thợ. Anh đã chết rét bên gốc cây liễu.
(Hết truyện)