Yêu thương người khác có thể giúp những vết thương trong tâm hồn khép lại vĩnh viễn…
Bạn có thể hạnh phúc vì những điều gì đó rất cao siêu, còn bố tôi thì có thể hạnh phúc vì một thứ rất “tầm thường” – đó là thức ăn. Tôi rất yêu bố tôi, dù bố có một thói quen kỳ quặc là tích trữ thức ăn.
Mẹ cũng rất yêu bố, và bởi vậy mẹ chẳng bao giờ can thiệp vào thói quen này. Mẹ còn giải thích cho tôi về sự tích của nó. Ông bà nội tôi mất sớm và bố thành trẻ mồ côi. Từ bé bố phải sống trong cô nhi viện. Bố đã không thể quên nổi những đêm đói đến mức không ngủ được, khi bụng sôi sùng sục, sôi đến phát đau.
Bố cũng không bao giờ quên được những ngày phải lén lút giấu từng mẩu vụn bánh mỳ thừa còn lại trong nhà ăn để những cậu bạn bị phạt cấm túc trong nhà kho có cái gì đó ăn cho đỡ đói. Cái đói và sự thiếu thốn thực phẩm đã ám ảnh bố tôi có lẽ là suốt đời, nên lúc nào và ở đâu, bố cũng phải có đủ thứ thực phẩm “bao quanh” mình thì mới thấy… yên tâm.
Đến mức, theo như bố kể thì sống ở đâu, bố cũng phải dành một phòng nhỏ riêng để chứa thức ăn, như một cái nhà kho. Nếu chỗ bố ở mà không có khu nào như vậy thì bố sẽ tự xây lấy một cái. Nói chung, như một chú kiến, bố tôi thích tích trữ. Bởi vậy gia đình chúng tôi phải có tới hàng tấn đồ hộp trong nhà.
Rồi gia đình chúng tôi có một cơ hội làm ăn mới ở một thành phố khác, chúng tôi phải chuyển nhà. Làm cách nào để có thể mang theo 800 hộp thức ăn đi vòng quanh đất nước. Và thế là bố rơi vào “vùng thời tiết xấu” với một bộ mặt bí xị. Thật trớ trêu là khi có đến gần 800 hộp thức ăn như thế nhưng nhà tôi lại chẳng hề có sẵn nước đóng chai. Và với bộ mặt “thời tiết xấu” bố sai tôi, kẻ đang rảnh rỗi nhất, chạy ra siêu thị mua một ít chai nước.
Khệ nệ vác một thùng nước ra quầy tính tiền, tôi thấy một cụ ông và một cụ bà cứ đứng loay hoay gần quầy. Hai cụ đang lúng túng tìm kiếm và chọn lựa giữa cả một tập phiếu giảm giá mà họ rút trong túi ra. Lấn bấn một hồi, một trong hai cụ còn làm rơi khoảng gần chục cái phiếu, làm chúng bay lả tả khắp sàn.
Tôi đặt cái giỏ đựng đồ của mình sang một bên, giúp hai cụ nhặt những tấm phiếu giảm giá, toàn cắt trên báo và những tờ rơi quảng cáo. Rồi khi tình cờ nhìn vào xe đẩy hàng của hai cụ, tôi thấy có phải đến… 40-50 hộp quả đậu.
Ôi! – Tôi kinh ngạc – Chắc là ông bà phải thích ăn đậu lắm ạ?
– Đang giảm giá mà cháu – Cụ bà đáp – Một đôla 5 hộp.
– Nhưng… thế thì ngày nào nhà mình cũng ăn đậu ạ? – Tôi thắc mắc.
– Không… – Cụ ông cười hóm hỉnh – Tháng sau có thể sẽ đổi món. Người ta ghi là tháng sau sẽ giảm giá ngô.
Tôi chợt nảy ra một ý.
– Cháu nghĩ ra cái này – Tôi nói – Ông bà cất hết những hộp đậu này đi rồi theo cháu. Nhà cháu sắp chuyển nhà. Trong khi bố cháu có cả một kho thức ăn mà ông bà có thể lấy không. Có cả quả đậu, ngô, thịt, cá ngừ và thịt gà đóng hộp nữa. Gì chứ bố cháu thì mua đủ tất các loại thức ăn đóng hộp.
Rồi tôi dẫn hai cụ về nhà và giới thiệu với bố mẹ. Quả thực có một phép màu đã xảy ra, bố tôi lập tức ra khỏi “vùng thời tiết xấu”. Bố tôi cười rất tươi, và hối hả giới thiệu với hai cụ “kho thức ăn” của mình.
Trong hơn 30 phút sau đó, chúng tôi đã nhồi toàn bộ 800 hộp thức ăn vào thùng chiếc xe cũ của họ, thậm chí phải đặt hết cả lên ghế sau và một ít xuống sàn xe.
Ông cụ cầm một hộp thịt bò hầm ngô lên nhìn và nói như reo:
– Có món thịt bò hầm ngô mà tôi thích này! Lâu lắm rồi chúng tôi mới có món này đấy nhé.
– Cháu chưa thấy ai lại reo mừng đến thế chỉ vì một hộp thịt bò – Bố tôi bảo họ.
– Cậu sẽ reo mừng nếu cậu phải chịu đói đến mức độ nào đó – Ông cụ mỉm cười đáp.
– À… vậy thì cháu biết – Bố tôi cũng mỉm cười.
Sau khi hai ông bà cụ cảm ơn chúng tôi và lái xe đi, bố tôi nhìn tôi và tự nhiên cười rất to, sảng khoái. Rồi bố nói:
– Chưa bao giờ bố thấy hạnh phúc đến thế vì thức ăn đấy, con trai ạ!
Và điều kỳ diệu vẫn còn tiếp tục, đến nơi ở mới, bố tôi không còn tích trữ thức ăn nữa, bố đã thoát ra khỏi nỗi ám ảnh của thời thơ ấu.
Bạn không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh thiếu thốn bằng sự đầy đủ của bản thân mình, mà phải bằng cách giúp cho người khác được đầy đủ. Và yêu thương người khác có thể giúp những vết thương trong tâm hồn khép lại vĩnh viễn.
~ HẾT ~