Trạng ăn Lê Như Hổ (1511 – 1581), ông người làng Tiên Châu huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên (nay là thôn Vông, xã Hồng Nam huyện Phù Tiên – Hưng Yên). Đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân sửu niên hiệu Quảng Hoà thứ nhất (1541) đời Mạc Phúc Hải. Sau khi thi đỗ, Lê Như Hổ làm quan cho nhà Mạc tới chức Tả thị lang, rồi làm phó sứ trong sứ bộ nhà Mạc sang tiến cống nhà Minh (do Lê Quang Bí làm chánh sứ). Sau 18 năm lưu đầy ở xứ người, trở về Lê Như Hổ được thăng chức Thượng thư, tước Xuân Giang hầu (khi mất được truy tặng hàm Thiếu bảo, tước Tuấn quốc công).
Khác với hai vị trạng ăn Lê Nại và Lương Hữu Khánh, Lê Như Hổ chỉ là con một gia đình nông dân khá giả, chứ nguồn gốc gia đình không có truyền thống khoa bảng gì. Tuy nhiên, ngay từ khi còn ít tuổi, chàng đã nổi tiếng học hành giỏi gianh, và thêm cả tài… ăn khoẻ nữa.
Ở tuổi thanh niên, chàng cao tới 5 thước 5 tấc (bằng 2,2m bây giờ), người vạm vỡ khoẻ mạnh, còn hơn những lực điền khoẻ mạnh nhất!
Một gia đình nông dân khác, rất giàu có ở làng Thiện Phiến bên cạnh nghe danh, lại mến tài, đem con gái gả cho, nhưng bảo chàng đến ở rể. Ông bố vợ này cũng ít nhiều có học, nên chẳng lạ gì chuyện Trạng nguyên làng Mộ Trạch, ở cách đấy không xa, lại xảy ra trước đó mới khoảng gần ba chục năm nên cũng nuôi hy vọng, con rể mình rồi sẽ được như vị Trạng nguyên ấy. Ở đây, chúng ta không nên ngạc nhiên với quan niệm và tâm lý này của đông đảo dân chúng trước kia, vì đó là lẽ thường tình – mà cho rằng sự giống nhau của hai câu chuyện Lê Như Hổ và Lê Nại chỉ là sự giống nhau (hay bắt chước!) của một “mô típ” trong chuyện kể dân gian.
*
* *
Chuyện rằng, khi Lê Như Hổ ở trong nhà bố vợ được vài ngày, đã làm cho ông có phần phải thất vọng, vì đã thổi riêng cho chàng một nồi năm cơm, mà sự học hành của chàng xem ra, vẫn còn rất chểnh mảng.
Thế rồi, một hôm nhân đến thăm nhà thông gia, ông đem chuyện ấy nói lại với ông thân sinh của Lê Như Hổ.
Ông thân sinh nói:
– Ở nhà tôi, mỗi bữa thổi cho cháu ăn nồi bảy, còn ở nhà ông, chỉ thổi cho cháu nồi năm, trách chi mà cháu không học được.
Ông bố vợ ra về, bảo người nhà từ nay thổi riêng cho con rể nồi bảy, nhưng bà mẹ vợ biết chuyện, bèn vặn lại:
– Thổi nồi năm đã xót ruột rồi, bây giờ lại còn nồi bảy. Vậy xin hỏi ông: Đọc sách nhiều thì để làm gì? Hay là chỉ được cái ăn hại.
Ông bố vợ ôn tồn:
– Ấy. Xin bà đừng nói thế, con nó tủi thân. Nó ăn khoẻ, tất sẽ làm khoẻ, còn học hành thì sẽ chăm hơn.
Bà mẹ vợ bĩu môi:
– Được. Có đám ruộng ở Rộc, cỏ hoang mọc đầy ra đấy. Ông bảo nó đi phát thử xem sao.
Sáng sớm hôm sau, cơm nước xong, ông bố vợ bảo con rể đi phát cỏ, thì cũng là lúc, bà mẹ vợ quảy quang gánh đi chợ. Vì đường đi chợ qua đám ruộng hoang, Lê Như Hổ do biết chuyện hôm qua nên nảy ra ý định trêu gan bà mẹ vợ, bèn vác dao, đến một gò đất cao cạnh ruộng, giả vờ nằm ngủ. Khi bà mẹ vợ đi chợ, rồi về, vẫn thấy con rể đang ngủ, thì tức quá, đã đay nghiến ông chồng: “Bữa nay ông còn bảo thổi nhiều cho nó ăn nữa hay không?”, làm cho ông cũng phải giật mình, bèn cùng bà đi ra phía ruộng.
Chẳng ngờ, khi đến nơi, thấy chàng rể ngồi trên bờ, nhưng dưới ruộng thì cỏ đã phát xong, lại thấy vô số cá nổi đầy lên trên mặt nước. Ông bố vợ hài lòng mỉm cười, còn bà mẹ vợ thì lặng yên, không nói một lời, chỉ nghĩ thầm: “Hay là nó có phép thần?”, mà không biết, chính lúc bà về nhà thì con rể cũng xuống ruộng phát cỏ.
Đến ngày mùa, lúa chín, bà mẹ vợ bảo con rể ra đồng, xem có thợ gặt thì thuê về độ 20 người. Chàng đi loăng quăng đâu đó một hồi lâu, đoán chừng cơm nước chuẩn bị cho thợ đã xong, thì trở về nhà, nói tỉnh bơ như không có chuyện gì:
– Con đã hỏi, nhưng chẳng có ai chịu đến làm thuê cho nhà mình cả.
Bà mẹ vợ hoảng hốt:
– Thôi chết. Cơm canh đã nấu rồi. Biết làm sao bây giờ?
Chàng rể mỉm cười:
– Mẹ cứ để đấy cho con. Ăn được tất sẽ làm được. Mẹ không phải lo.
Nói rồi, chàng bảo vợ dọn cơm, còn mình thì vác dao ra bụi tre, chặt một cây to vừa già vừa chắc, lấy đoạn gốc làm đòn xóc. Sau đó, chàng ngồi ăn cơm – ăn gần hết số cơm lót dạ của hai mươi người, rồi cầm liềm, thừng, vác đòn xóc ra ruộng. Trước khi đi, chàng dặn ở nhà chuẩn bị quét tước sân phơi đi là vừa.
Hai mẫu lúa của nhà – phần việc 20 người làm trong một buổi, Lê Như Hổ cũng chỉ vừa cắt, bó, vừa gánh về đúng 4 chuyến, đến gần trưa thì đã xong xuôi. Bà mẹ vợ lần này, do được tận mắt chứng kiến, nên cứ tấm tắc khen thầm, chứ không nghĩ là con rể có phép thần – như lần trước nữa.
Từ đấy trở đi, việc trong nhà có chàng rể ăn nhiều đối với bà, chẳng còn là chuyện gì hệ trọng. Thỉnh thoảng bà mới nhờ chàng làm cho những việc nặng, còn thì giờ để cho chàng lưu tâm vào việc học tập – như ý nguyện của ông chồng. Thế rồi, ba năm sau, trong kỳ thi Hội, chàng đỗ ngay Tiến sĩ, vinh quy bái tổ về làng, làm cho cả hai gia đình – bố vợ và bố đẻ – đều cảm thấy được mát mặt. Tuy nhiên, tiếng đồn về làng Tiên Châu có ông Nghè ăn khoẻ, cũng như trước kia làng Mộ Trạch có ông Trạng ăn khoẻ, từ đấy cứ lan ra khắp miền.
*
* *
Chuyện vẫn còn kể tiếp. Một người bạn đỗ đồng khoa với Lê Như Hổ tên gọi Nguyễn Thanh, quê ở làng Bột Thái huyện Hoằng Hoá – Thanh Hoá, vốn cũng là một người sức vóc, lại hợp tính tình, nên khi ở nhà trọ để chuẩn bị dự kỳ thi, thường cùng với chàng ngồi trò chuyện. Họ mời trước, hễ khi nào có dịp thì về nhà nhau chơi. Nhân đấy, Lê Như Hổ mới hỏi đùa bạn:
– Gia tài nhà bác có đủ cho tôi ở lại một tháng không?
Nguyễn Thanh trả lời:
– Có xá chi. Bác ở lại cả ba tháng cũng vẫn được.
Dự kỳ thi xong, hai người bạn chia tay. Thế rồi sau nhiều năm, đến một hôm, Lê Như Hổ có việc công đi tới miền Hoằng Hoá – Thanh Hóa.
Nhớ lời bạn dặn, chàng tìm đến nhà chơi, nhưng tới nơi, Nguyễn Thanh lại đi vắng, chỉ có người vợ ở nhà.
Ngồi nói chuyện được một lát, Lê Như Hổ bảo với chủ nhân:
– Tôi với quan bác vốn là chỗ bạn bè quen biết từ trước, cũng chẳng cần giữ ý tứ làm gì. Nay đã gần trưa nên xin bác nấu cơm cho ba mươi người ăn, rồi chúng tôi lại ra đi, cho khỏi lỡ việc.
Người vợ Nguyễn Thanh đứng dậy, vội đi bảo người nhà nấu cho 3 nồi mười cơm, và làm một mâm thức ăn thật đầy. Khi cơm và thức ăn vừa chín, chuẩn bị được dọn ra, thì Lê Như Hổ bảo người đầy tớ ra gọi những người lính tuỳ tùng vào ăn. Được một lát, người đầy tớ này trở vào, nói: “Bẩm quan lớn. Bọn họ đã đi trước rồi ạ”.
Thực ra, không có người lính nào đi theo Lê Như Hổ cả – mà đó chỉ là mẹo nhỏ của chàng, để người vợ Nguyễn Thanh khỏi phải nấu cơm đãi khách chỉ có hai người vậy.
Bữa cơm hôm ấy do được làm rất khéo, nên hai thày trò Lê Như Hổ ngồi ăn thật ngon miệng. Chẳng mấy chốc mà ba nồi cơm mười với một mâm thức ăn, đều hết cả. Lê Như Hổ đứng dậy, ra bàn xỉa răng uống nước, rồi sau đó, xin phép chủ nhân lên đường.
Đến chiều, khi Nguyễn Thanh vừa ló mặt về nhà, đã thấy tiếng người vợ xoe xoé:
– Ông đi đâu mà sao trưa chẳng về để xem hai thầy trò ông khách, ăn một bữa hết cả ba nồi mười cơm đầy…
Nguyễn Thanh phì cười:
– Ấy chẳng mấy khi có khách đến chơi nhà. Đấy là ông Tả thị lang Lê Như Hổ, quê ở làng Tiên Châu, Hưng Yên – bạn của tôi từ ngày còn đi thi, chứ phải ai đâu mà bà trách.
Vào năm sau, Nguyễn Thanh cũng có việc công ra miền ngoài, bèn tìm đến nhà Lê Như Hổ, để bạn bè hàn huyên tâm sự. Bữa trưa hôm ấy, Lê Như Hổ bảo người nhà thịt hai con lợn, đồ bốn chõ xôi, để đãi khách. Khi dọn ra, mỗi con lợn luộc đặt trên một mâm, còn bốn chõ xôi cũng bầy trên bốn mâm khác. Chia ra chủ khách – mỗi vị một mâm lợn, hai mâm xôi, cùng ngồi ăn.
Khoảng một giờ đồng hồ sau, ba mâm của Lê Như Hổ hết veo, còn của Nguyễn Thanh, mỗi mâm chỉ xén mất một góc. Lê Như Hổ bảo bạn:
– Bác dùng nữa đi chứ, nếu không, tôi sẽ giúp cho nào.
Nói rồi, chàng cầm đũa gắp luôn mấy gắp, vừa ăn, vừa gật gù mỉm cười.
Xong bữa, hai người ngồi uống nước, Nguyễn Thanh nói với bạn:
– Tài ăn của bác, nếu Tiên sinh làng Mộ Trạch sống lại, chắc cũng không thể nào hơn.
Lê Như Hổ cười xoà:
– Bác dạy cũng phải. Nhưng Ngài là con nhà dòng dõi, lại là bậc Khôi nguyên, bọn ta đâu dám sánh. À, này… tôi xin hỏi thực: Lần trước bác bảo gia sản có thể tiếp tôi đủ trong ba tháng, vậy bây giờ bác tính sao đây?
Nguyễn Thanh gật gù:
– Thưa bác. Được đúng một tuần thôi ạ.
Nói rồi, cả hai ôm nhau cùng cười.
*
* *
Lê Như Hổ chẳng những có tài ăn, tài học mà đường biện bác của chàng cũng thực hơn người, được các bạn đồng liêu nể phục. Tám năm sau khi thi đỗ và làm quan, đến năm Cảnh Lịch thứ nhất (1548) đời Mạc Phúc Nguyên, Lê Như Hổ được cử làm phó sứ, đi sứ nhà Minh (Lê Quang Bí làm chánh sứ).
Khi đoàn sứ bộ tới Yên Kinh, mấy ngày sau, được bộ Lễ nhà Minh mở yến tiệc khoản đãi. Vì nghe nói trong đoàn có người ăn khoẻ, nên họ làm cỗ 18 tầng, có bậc bước lên, và ở tầng trên cùng, đặt món cá “nhân ngư” (cá có đầu rất giống đầu người), vừa để thử mà cũng vừa để doạ.
Các vị trong đoàn sứ bộ Đại Việt, chỉ ăn được mấy tầng đã no. Riêng phó sứ Lê Như Hổ, điềm nhiên bước lên đủ 17 tầng, vừa ăn vừa nhìn xuống. Đến tầng thứ 18, thấy chiếc đầu cá giống đầu lâu người, chàng dùng đũa khoét lấy một mắt, đoạn giơ lên nói lớn:
– Hoàng đế cho ta ăn đầu người phương Bắc, quân hầu đâu, hãy đem dấm lại đây.
Thấy lời lẽ xấc xược, viên quan lễ tân triều Minh giận tím mặt, vội đến giằng lấy đũa của Lê Như Hổ, rồi bảo lính hầu mang món cá đầu người ấy đi. Lê Như Hổ vẫn thản nhiên như không, hỏi lại viên quan bộ Lễ.
– Thưa ngài. Chẳng hay lời tôi nói không đúng hay sao?
Viên quan bộ Lễ đứng ngây, không biết trả lời thế nào. Lê Như Hổ cũng đủng đỉnh bước xuống bàn tiệc.
*
* *
Vì có “sự cố” ấy cùng với nhiều sự việc khác trong quan hệ giữa hai nước, mà đoàn sứ bộ Đại Việt sau đó phải chịu nhiều lận đận và lưu lại trên đất khách đến 18 năm! Tuy nhiên, đối với Lê Như Hổ, các việc xảy ra đều chẳng làm ông sờn lòng – lúc nào ông cũng giữ tiết tháo cứng cỏi, đối đáp sắc sảo với những người phương Bắc.
Sau lần ăn tiệc, sự việc lan ra khắp triều đình. Vua Minh tức giận, sai người lấy giấy phết sơn, gắn hai mắt Lê Như Hổ lại, rồi dẫn ông đi loanh quanh suốt trong ba ngày liền. Đến cuối ngày thứ ba, viên quan đi theo hỏi: “Đây là chỗ nào?” Ông trả lời: “Là nơi năm hôm trước bày tiệc, tiếp sứ thần Đại Việt”. Người Minh thán phục, sau đó có lệnh bóc sơn gắn mắt Lê Như Hổ ra.
Một lần khác, ở phương Bắc có hạn hán nặng. Vua Minh sai làm lễ cầu đảo, nhưng hàng tháng trời, vẫn không có hạt mưa nào. Các đại thần triều Minh bèn tâu với nhà vua của họ: Thử nhờ các sứ thần lân bang xem sao? Thế nhưng, khi đến hỏi sứ thần Đại Việt, thì Lê Như Hổ đứng ra nói rằng: “Nước chúng tôi ở xa, xin được nhường các nước khác làm trước”. Rồi đến khi các nước này cầu đảo không được, đến hỏi lần thứ hai, thì Lê Như Hổ mới nhận lời và dặn phải xây tháp cao mười tầng, cùng sắm sửa các lễ vật thật đầy đủ.
Sở dĩ như vậy, là vì mấy hôm trước Lê Như Hổ đã đi xem cỏ gà và rễ si, là những thứ mà ở xứ ta mọi người vẫn xem, thấy triệu chứng sắp sửa có mưa, nên đã tính được khi tháp dựng xong, thì cũng là lúc có mưa tới. Về sau, sự việc xảy ra đúng như ông dự đoán: mưa đầy trời suốt trong hai ngày đêm liền.
Vua nhà Minh cả mừng, cho rằng sứ thần nước Nam thành tâm nên đã cảm hoá được cả đất trời, bèn xuống chiếu phong cho Lê Như Hổ làm Thượng thư bộ Lễ, rồi vời vào trong cung, dạy các hoàng tử học.
Thế là, dòng dã hơn chục năm sau, Lê Như Hổ mới thoát được cái nạn dạy các hoàng tử triều Minh học! Thật là cực chẳng đã, vì không ai muốn nhận cái “ân huệ” ấy cả. Tuy nhiên, khi đã là thầy, lại là thầy của các hoàng tử, thì sứ thần Đại Việt Lê Như Hổ đã làm tròn bổn phận của mình và được tín nhiệm rất mực.
Mãi tới năm Sùng Khang thứ nhất (1566) đời Mạc Mậu Hợp, đoàn sứ bộ Đại Việt mới lại lên đường về nước. Vua Mạc sai Lại bộ Thượng thư Đông các đại học sĩ Trạng nguyên Giáp Hải cùng Đông các hiệu thư Trạng nguyên Phạm duy Quyết đến tận địa đầu Lạng Sơn để đón rước đoàn. Thật là hết sức long trọng!…
Sau đó, Lê Như Hổ được thăng chức Thượng thư, tước Xuân giang hầu, như đã nói ở phần đầu.
Chính vì thế, nên trong giới quan trường cũng như ngoài dân chúng, thường gọi ông là “Lưỡng quốc Thượng thư” vậy.
(Đọc truyền thuyết Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi)
Chuyện ba vị đỗ đại khoa có tài ăn khoẻ kể trên, theo chúng tôi, có lẽ không phải là chuyện cá biệt. Về mức ăn, có thể dân gian đã phóng đại thêm lên chăng? Chúng tôi cho rằng, so với lực điền, thì người đi học thời xưa vất vả cũng không kém, nên phải ăn nhiều để lấy sức. Tuy nhiên, vì ở nơi thôn dã, không sẵn đồng tiền, thức ăn ngon chẳng có, nên chỉ lấy bát cơm làm đầu. Chuyện ăn nhiều, do thế, mới nghe có vẻ nực cười, nhưng ngẫm ra, lại thấy thật là chua chát tội nghiệp!