Nguyễn Xí người xã Thượng xá huyện Chân phúc (nay là Nghi Lộc) tỉnh Nghệ An, sống ở cuối thời Trần đầu thời Lê.
Đón xem truyền thuyết hay:
Cha là Nguyễn Hội, làm nghề buôn muối. Anh là Nguyễn Biện. Vào khoảng năm ất dậu (1405) khi Lê Lợi còn trẻ (20 tuổi) làm chức quan nhỏ ở huyện Lôi Dương – Thanh Hoá, cha con Nguyễn Hội thường chở muối ven theo bờ biển rồi ngược sông Lương (hay sông Chu) lên miền Lam Sơn bán, vì thế đã từng quen biết và được Lê Lợi tiếp đón thân tình.
Khi ấy giặc Minh xâm chiếm nước ta, hai cha con cha con Hồ Quí Ly cùng quyến thuộc bị bắt. Hai vua Trần, Giản Định Đế rồi Trùng Quang Đế cùng các tướng sĩ tập hợp lực lượng, chống nhau với giặc. Miền Thanh Hoá – Nghệ An vì vậy thường xảy ra chiến sự. Nguyễn Hội thấy cảnh loạn lạc, bèn thôi không buôn muối, lại cũng để chờ thời cơ, nên vào nương náu trong ngôi chùa ở bản xã, xuống tóc đi tu, gọi là Hoà Nam thiền sư. Ông tu luyện chuyên cần, nên đêm nào cũng đến gà gáy sáng là tỉnh dậy, súc miệng rửa mặt xong thì đánh một hồi chuông, rồi ngồi xuống trước Phật điện, gõ mõ, tụng kinh.
Ở bên cạnh chùa khi ấy, có một người làm nghề đồ tể (thịt lợn). Như đã thành lệ, tảng sáng nào lúc có tiếng chuông, là anh ta tỉnh dậy, rồi vào chuồng bắt lợn, mang ra giết mổ. Đến một lần, vào chiều tối hôm trước, do vội vàng anh ta mua phải con lợn cái đang chửa mà không biết, định để sáng hôm sau sẽ đem làm thịt.
Nhưng trong đêm hôm ấy, khi Hoà Nam thiền sư đang nằm, thì mộng thấy một người đàn bà bụng chửa, vừa khóc vừa đi đến bên giường, vái tạ rồi van vỉ rằng:
– Nhà sư hãy thương tình cứu lấy mẹ con tôi; sáng sớm mai tỉnh dậy xin đừng đánh chuông gõ mõ nữa.
Nói xong, người đàn bà đó biến mất. Còn thiền sư, tuy chưa hiểu sự thể ra sao, nhưng cũng động lòng, rồi gật đầu chấp thuận.
Đến lúc tảng sáng, ông tỉnh dậy mà không đánh chuông, nên người đồ tể hàng xóm cũng ngủ quên luôn. Khi anh ta tỉnh dậy thì trời sáng rõ, thấy đã lỡ buổi chợ, bèn thôi không vào chuồng bắt lợn giết thịt nữa. Gần trưa,anh ta vào chuồng, mới hay con lợn đang chửa, cái bụng to phềnh, các núm vú cũng đang căng phồng ửng đỏ, nên cũng thôi luôn và tính chuyện chiều đi mua con khác. Mấy hôm sau, con lợn mẹ sinh được một bầy lợn con.
Nhà sư Nguyễn Hội ở chùa bên cạnh, lúc ấy mới biết chuyện, lại nghĩ đến giấc mộng đêm nào, bèn cho là điềm lạ, rồi bỏ tiền ra mua cả đàn lợn cả mẹ lẫn con. Ông nuôi chúng mấy hôm, rồi về nhà bảo con đem chúng thả vào trong núi, cách xóm làng thật xa. Việc ông mua lại đàn lợn cũng còn là cách bù đắp cho anh chàng đồ tể, để anh ta khỏi bị hụt mất vốn.
Thế nhưng, thật oái oăm mấy tháng sau, chẳng những không được đền công mà trái lại còn gặp phải chuyện rủi ro. Số là một hôm ông có việc phải đi qua sứ Đồng Lam trong vùng thì bị hổ rình, vồ mà tha đi. Thời ấy, do xóm làng thưa thớt, rừng rậm trong vùng còn nhiều, nên thỉnh thoảng lại có hổ về. Hổ không ăn thịt ông ngay, mà chỉ vật chết, tha đến một bụi rậm, đặt xuống, rồi lại tha các cành cây nhỏ đến che đậy. Chắc là hổ để dành mồi.
Hôm sau, anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí thấy cha không về, bèn cùng họ hàng đi tìm. Đến xứ Đồng Lam, thấy xác ông Nguyễn Hội thì kêu khóc thảm thiết, rồi khiêng về, bỏ vào quan tài, đem đi an táng. Thế nhưng, hôm sau ra thăm mộ, lại thấy mộ bị vết chân hổ đào bới, thi thể trong quan tài cũng biến mất. Họ lại bảo nhau đi tìm, đến xứ Đồng Lam, đúng chỗ lần trước, thì thấy xác ông Nguyễn Hội nằm ở đấy, lại có cả cành lá cây che phủ, như lần đầu.
Mọi người lúc ấy mới thấy là lạ, bèn ngắm nhìn xung quanh, thấy thế đất chỗ ấy thật là đẹp, tựa như ở giữa một “chiếc ngai” mà ba bề xung quanh là những đồi đất cao, còn ở phía trước, là một hồ nước lớn. Anh em họ hàng bảo nhau chôn ngay ông Nguyễn Hội ở chính chỗ ấy, sau khi đã khâm liệm lại rồi cho vào quan tài. Lại đề phòng hổ đến đào bới lần thứ hai, họ còn thay nhau canh gác ở đấy hàng tháng trời, nhưng tuyệt nhiên không thấy con hổ kia quay trở lại. Về sau, các thày địa lý bảo rằng đấy là mộ “cát huyệt hổ táng”, nhờ thế mà con cháu của ông Nguyễn Hội đã được “âm phù”.
*
* *
Lúc bấy giờ Nguyễn Biện ngoài 20 tuổi, còn Nguyễn Xí thì 17 tuổi, là những thanh niên trai tráng sức vóc, lại lanh lợi và có chí tiến thủ. Nghĩ rằng vận nước đang lúc lâm nguy, kẻ trượng phu ở đời phải có trách nhiệm, lại cũng hay tin ở Lam Sơn – Thanh Hoá, chủ tướng Lê Lợi cùng các đồng chí đã dấy cờ khởi nghĩa, đang chiêu mộ thêm lực lượng. Hai anh em từ biệt họ hàng, lên đường tìm về Lam Sơn đầu quân. Để tránh sự kiểm soát của quan quân nhà Minh, họ giả làm những người gánh dầu mang đi bán lẻ.
Vào một ngày, hai anh em đi qua huyện Đông Sơn (Thanh Hoá) thì trời sẩm tối. Không muốn rẽ vào nhà dân vì sợ lộ tung tích, họ tìm đến nghỉ tạm trong một ngôi miếu cổ ven đường. Đến lúc nửa đêm, khi hai anh em đang trong lúc ngủ say, thì Nguyễn Xí mơ thấy có tiếng xe ngựa đi lại, rồi một vị Thần nhân hiện ra nói vọngv ào trong miếu:
– Đêm nay Thiên đình có sắc chỉ triệu các thần lên họp để định ngôi vị Thiên tử nước Nam, vậy Ngài hãy mau lên đường cho kịp.
Vị thần trong miếu ngay lúc ấy cũng hiện ra, nói lại với vị Thần kia:
– Tôi đang có hai quí khách trú ngụ, nên không thể đi được. Vậy Ngài nghe được điều gì, xin về nói lại cho biết.
Vị Thần kia lên đường. Đến khoảng gần sáng, thì quay lại, nói vọng vào trong miếu:
– Thiên đình họp lần này đã cử Lê Lợi ở Lam Sơn làm Thiên tử nước Nam. Đúng giờ thân, ngày thân, tháng thân thì Ngài ấy khởi sự.
Chợt lúc ấy cũng có tiếng gà gáy sáng, làm Nguyễn Xí giật mình tỉnh giấc, nhưng vẫn nhớ như in từng lời trong giấc chiêm bao, bèn đánh thức người anh ngồi dậy mà kể lại. Thế rồi hai anh em hồ hởi lên đường.
*
* *
Quả nhiên, tin đồn và lời Thần báo mộng ở Đông Sơn là không sai, nên khi anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí tìm đến được Lam Sơn, vào ra mắt Lê Lợi là người quen biết từ trước, Ngài vô cùng mừng rỡ tiếp đón niềm nở. Nguyễn Biện, Nguyễn Xí đều được nhận làm gia thần, tức được coi như người nhà, tin tưởng tuyệt đối.
Lúc ấy , dưới quyền chỉ huy của Lê Lợi, lực lượng nghĩa quân đã khá đông. Nguyễn Biện được bổ sung vào đội ngũ các chiến binh. Còn Nguyễn Xí trẻ hơn lại cũng lanh lợi hơn, được giao cho huấn luyện một đàn chó săn, đông tới trên 100 con, vừa để ban đêm canh phòng, vừa để ban ngày đi săn muông thú, tìm thêm nguồn thực phẩm. Nguyễn Xí chẳng những không nề hà, lại còn vô cùng phấn chấn, hoàn thành mỹ mãn công việc chủ tướng giao. Hàng ngày ông tập cho đàn chó nghe theo hiệu lệnh, lúc dừng lúc chạy răm rắp. Trước hai bữa ăn, ông cũng dùng hiệu lệnh, đàn chó ngoan ngoãn nghe theo, không tranh giành cắn xé lẫn nhau. Chủ tướng Lê Lợi thấy vậy, gật đầu tấm tắc khen ông chẳng những có tài dậy chó mà sẽ còn cả tài làm tướng nữa, bèn phong cho ông làm Đội trưởng, quản lĩnh Thiết đội thứ nhất. Lúc ấy ông vừa tròn 19 tuổi.
Trải 10 năm làm tướng dưới quyền Lê Lợi, Nguyễn Xí lập được nhiều chiến công. Như thời khó khăn ở Chí Linh (“Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần” – Bình ngô đại cáo), ông luôn theo sát bảo vệ chủ tướng Lê Lợi. Năm 30 tuổi, ông được phong chức Thượng tướng quân. Trong trận cùng Lê Triệu đánh Vương Thông ở Ninh Kiều, Tốt Động (thuộc Chương Mỹ – Hà Tây) vào năm 1426, đội quân của ông cùng phối hợp chém được Thượng thư Trần Hiệp, nội quan Lý Lượng cùng 5 vạn tên giặc. Năm 1427 ông cùng Lê Lễ đánh Vương Thông ở Mi Động (nay là khu Hoàng Mai thuộc quận Hai Bà Trưng – Hà Nội), nhưng hai thớt voi hai ông cưỡi bị xa lầy, nên đều bị giặc bắt. Lê Lễ chửi mắng quân giặc bị chúng giết chết, còn ông không nói năng gì, giả vờ hàng phục, nhưng vào nửa đêm, nhân lúc mưa gió, ông đánh lừa bọn lính canh, rồi trốn về được với nghĩa quân. Bình định Vương Lê Lợi cả mừng, kêu lên: “Sống lại!”. Rồi chủ tướng lại sai ông cầm quân, đem tiếp ứng cho Lê Sát ở trận Xương Giang, bắt được Thôi Tụ, Hoàng Phúc và rất nhiều quân lính địch. Sau trận đó, người Minh phải giảng hoà. Đất nước ta sạch bóng quân thù.
Năm đầu Thuận Thiên (1428) Lê Lợi lên ngôi, ông được phong là “Long hổ Thượng tướng quân”. Năm sau, khi bàn công khen thưởng, ông được đứng thứ năm, phong là “huyện hầu”. Anh ông (Nguyễn Biện) do tử trận từ lúc mới khởi nghĩa, được truy phong tước hầu.
Qua thời Lê Thái tổ đến thời Lê Thái tông, ông phò tá có nhiều công lao. Rồi khi Thái tông đột ngột mất, ông cùng Trịnh Khả phò Nhân tông (tức Bang Cơ) nối ngôi. 17 năm sau, Nhân tông bị Lạng sơn vương (Nghi Dân) giết và cướp ngôi. 8 tháng sau, vào năm 1460, ông cùng Đinh Liệt, Lê Niệm bàn mưu kín, giết bọn Phạm Đồn, Phan Ban, rồi phế truất Nghi Dân, đưa Gia vương (tức Tư Thành ) lên ngôi, là vua Lê Thánh tông.
Do vậy, và do công lao từ trước, ông được Lê Thánh tông rất mực sủng ái, cho giúp việc chính sự, lại có bài chế ban xuống ca ngợi tài đức, công lao của ông. Con trai ông là Sư Hồi mắc lỗi cũng không bị nhà vua trách phạt.
Năm 1465 Nguyễn Xí lâm bệnh nặng rồi mất, thọ 69 tuổi, được tặng hàm Thái sư, đặt thuỵ là Nghĩa Vũ. Ba năm sau, lại được truy tặng là Cương quốc công, và phong làm Phúc thần. Sắc phong ghi mỹ hiệu là “Hiển uy chính nghị Anh liệt Trung trinh Đại vương”. Dân xã Thượng xá bèn tôn làm Thần Thành hoàng và lập miếu thờ ông.
Nguyễn Xí có 16 con trai, 8 con gái. Con trai đầu giữ chức Thái uý (đứng đầu quan võ), còn phần lớn đều giữ các chức Tổng quản, Tổng binh, Quản lĩnh ở Kinh đô và các trấn. Có tới 12 người được phong tước Quận công. Còn con gái thì đều gả vào các nơi sang, quí. Họ đều ở dưới thời Lê Thánh tông cả. Thật là một nhà phong lưu, phú quí đủ đầy.
Thế nhưng, ở đời cái gì cũng có giới hạn, nên vào thời cực thịnh của các con trai con gái Nguyễn Xí, thì cũng đã gây nên sự ghen tỵ của những người khác. Thời Nghi Dân ,nhà vua sai đào sông Cấm giang ở Sái Sá, nói là dẫn thuỷ nhập điền, nhưng kỳ thực là nhằm chặn “long mạch” của ngôi mộ “cát địa hổ táng” (chôn ông Nguyễn Hội). Sông mới đào, qua vùng đất đỏ, hàng mấy tháng sau nước vẫn còn đỏ. Dân chúng trong vùng bảo đấy là “máu Rồng” từ “long mạch” rỉ ra. Sau đó có chuyện 5 người con của Nguyễn Xí bị ghép vào trọng tội, rồi bị hành quyết một ngày. Sự đề phòng mà ra tay trước của nhà vua, như đã từng xảy ra ở thời Lê Thái tổ (Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo – hai “đệ nhất công thần” cùng nhiều người khác bị giết, và đầu thời Lê Nhân tông, Nguyễn Trãi bị tru di ba đời), lại được nấp dưới cái vẻ bên ngoài huyền bí. Tuy thế, trong số các cháu chắt của Nguyễn Xí, nhiều người vẫn hiển đạt. Mãi đến thời Lê Chiêu Thống, cách tới 300 năm sau, có người còn được phong tới tước Quận Công.
(Đọc truyền thuyết hay về Trực học nội phó Lê Đoán)