Xưa kia, có hai vợ chồng tên Lánh sống ở đất Quảng Nam. Họ vốn ngộ đạo, tu tiên tại làng Trà Luông, huyện Thăng Bình.
Lần lần thầy được nổi danh. Dân chúng cữ tên, gọi chồng là Thầy, vợ là Thím.
Làng quê Thầy – Thím nhiều năm liền hạn hán, mất mùa, đời sống của người dân cơ cực. Thầy lập đàn khấn nguyện, trời đang trong xanh bỗng sấm chuyển, mưa như trút nước, cỏ cây hồi sinh.
Hôm nọ thấy cái nhà việc của làng đã hư hao. Thầy nói với hương chức làng:
– Để tôi cất lại dùm cái khác.
Ai nấy không tin, ngỡ rằng thầy nói chơi. Dè đâu đến nửa đêm, giông bão nổi ầm ầm. Lại nghe tiếng bao nhiêu thợ hò hét, đôn đốc cất cho mau cùng là tiếng đục, tiếng búa. Sáng ra ai nấy ngạc nhiên. Nhà việc làng đã sửa sang lại, xinh đẹp hơn trước.
Nhưng ở làng kế bên thiên hạ vô cùng bất bình vì trong đêm giông tố vừa rồi, cái nhà việc của họ bay đi đâu mất. Nghe tin đồn, họ qua làng Trà Luông để nhìn. Sau khi nhìn dấu tích, họ nhận ra: Trên vách tường của nhà việc xưa của họ có dấu vết của một dây trầu leo lên. Bây giờ nhà việc của làng Trà Luông cũng có dấu tích ấy. Họ đem đơn kiện lên quan trên.
Bộ Hình ngoài Huế lên điều tra, sai người vào làng Trà Luông. Hương chức làng nói:
– Chúng tôi không ăn cắp của ai. Nếu có tội thì kẻ thủ phạm là Thầy với Thím.
Tức thời, hai vợ chồng Thầy Thím bị bắt. Quan trên tuyên bố xử tử. Hai vợ chồng của Thầy xin đình lại bản án mà rằng:
– Chúng tôi muốn truyền lại cho nước Nam mình một bảo vật.
Theo lời yêu cầu của Thầy và Thím quan trên sai người đem lại một vóc lụa dài, viết lông và mực tàu. Thầy bèn vẽ một con rồng, khúc đuôi vẽ trước. Chừng vẽ xong khúc đầu rồng, Thầy dùng một bó nhang mà khấn vái rồi vẽ hai con mắt. Sau khi điểm nhãn, rồng nọ bay bổng, hai vợ chồng thầy cỡi lên đó mà trốn.
Đến Nha Trang, vợ chồng Thầy Thím xin ở đậu tại nhà của một bà lão tên là bà Xuổi. Thầy có treo một bọc vải, ở trong toàn là đậu. Thầy căn dặn không cho ai dòm trong bọc ấy.
Dè đâu, đứa cháu của bà Xuổi có tánh tò mò. Hôm nọ, nghe tiếng thì thào trong bọc vải nọ, đứa cháu lén mở ra. Tức thì bao nhiêu binh tướng hiện ra cầm khí giới bao vây đứa cháu nọ. Nó la hoảng, Thầy Thím hay được, trở về hô phép. Các binh tướng rút trở lại vô hột đậu trong bao.
Ngày mùng năm tháng giêng năm đó, vợ chồng của thầy đều tịch diệt. Quan trên ra lệnh dùng dây sắt mà xiềng mả của vợ chồng. Dè đâu ban đêm, voi trong rừng chạy ra, phá vòng xiềng.
Biết đó là một vị Thần, vua phong sắc cho hai vợ chồng. Thầy được phong là Chí Đức tiên sanh chi thần. Thím được phong là Chí Đức nương nương.
Khảo dị:
Có nơi kể rằng:
Thầy sinh vào những năm đầu của triều đại Gia Long, cần mẫn dùi mài kinh sử, tầm sư học đạo, nuôi chí giúp đời. Việc lớn chưa thành thì Thầy gặp đại tang, cha mẹ đột ngột qua đời. Là người con hiếu thảo, Thầy ở lại quê nhà cùng vợ chịu tang cha mẹ.
Làng quê Thầy – Thím nhiều năm liền hạn hán, mất mùa, đời sống của người dân cơ cực. Thầy lập đàn khấn nguyện, trời đang trong xanh bỗng sấm chuyển, mưa như trút nước, cỏ cây hồi sinh. Từ đó, Thầy nổi danh là đạo sĩ dùng phép thuật cứu giúp dân làng.
Trong một ngày hội đầu năm, dân làng mơ ước có một ngôi đình khang trang để thờ phụng Thành Hoàng. Như cảm thông với nỗi khát khao của những tấm lòng thành kính với thần linh, đêm hôm ấy gió mưa dữ dội báo trước một điềm lạ.
Quả nhiên, khi trời yên, gió lặng, mọi người thấy ngôi đình mới tọa lạc ngay giữa làng. Dân làng vui mừng chưa được bao lâu thì làng bên báo về triều, tố cáo Thầy dùng phép thuật đánh cắp đình, âm mưu gây bạo loạn.
Nhà vua nghiêm trị Thầy lãnh án “Tam ban triều điển” (xử trảm, uống thuốc độc hoặc thắt cổ). Thầy chọn hình thức sau cùng, kỳ lạ thay, khi tấm lụa đào đến tay Thầy bỗng trở nên có sức sống kỳ lạ, lụa biến thành rồng nâng Thầy Thím bay bổng lên không trung. Khi bay qua quê nhà, Thím làm rơi chiếc hài như một lời nhắn từ biệt, rồi theo lụa rồng bay về phương Nam.
Thầy – Thím đến cư ngụ tại làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) dưới lớp áo của người quê đến ở trọ nhà ông Hộ Hai, làm các nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cứu người.
Có điều lạ là bên mình Thầy lúc nào cũng có quả bầu khô, người ta nói Thầy có phép “sái đậu thành binh” (gieo đậu thành binh lính).
Một hôm Thầy vội vã vào rừng mà quên mang chiếc bầu theo, chủ nhà tò mò lấy ra xem, bỗng lửa phụt ra thiêu rụi cả căn nhà. Sau khi làm lại căn nhà mới cho ông Hộ Hai, Thầy – Thím vào ở hẳn trong rừng sâu Bàu Cái. Thầy nhận đóng ghe cho ngư dân.
Mặc dù quanh khu rừng cả ngày vang lên tiếng đẵn gỗ, đục đẽo nhưng chưa ai thấy người giúp việc của Thầy. Từ nơi cánh rừng, Thầy đóng ghe ra đến biển dài 3km, có mạch nước nhỏ đổ ra biển, dân địa phương tương truyền đó là dòng nước Thầy dùng gậy tạo ra để đưa ghe ra biển, gọi là đường lướt ván.
Còn nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của Thầy như: trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo; cứu dân chài trong cơn sóng to, gió dữ; cảm hóa thú rừng là nỗi nơm nớp lo sợ của nhiều người khi buổi đầu khai phá thiên nhiên hoang dã.
Rồi đến một ngày mùa thu, được tin Thầy – Thím qua đời, dân làng vội vã vào rừng thì thấy 2 ngôi mộ bằng cát trắng phau được thú dữ vun đắp ở gần nơi Thầy – Thím tạ thế. Hàng năm, cứ đến ngày 5 tháng Giêng có đôi bạch, hắc hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục canh gác ngôi mộ. Khi bạch, hắc hổ qua đời, dân làng an táng ngay sau mộ Thầy – Thím để tưởng nhớ hai con vật tận trung.
Tỏ lòng nhớ ơn công đức Thầy – Thím, nhân dân chung sức lập đền thờ ở khu rừng Bàu Cái. Ngày 15-9 âm lịch hàng năm là ngày lễ tế thu Thầy – Thím, nghĩa cử Thầy – Thím được dân gian lưu truyền. Thế nên, đến đời Thành Thái thứ 18, nhà vua đã xem lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy – Thím là “Chí Đức Tiên sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.