Cha Ngài họ Nguyễn người làng Bối Khê, còn mẹ Ngài họ Trần – ở làng Bùi Xá. Ngài có lòng từ tâm, hướng Phật từ nhỏ, đến khi tu hành lấy hiệu là Đức Minh và đặt tên chữ là Bình An.
Ngài sinh năm Tân Tỵ (1281) niên hiệu Bảo Thái thứ 3 đời vua Trần Nhân Tông. Đến năm lên bảy tuổi thì Ngài mồ côi cha mẹ, đến ở trong nhà cô (ở Bối Khê) rồi hơn một năm, lại xuống ở nhà cậu ruột (ở Bùi Xá).
(Bối Khê và Bùi Xá nay là hai thôn cùng nằm trong xã Tam Hưng huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây).
Nhà cậu ruột Ngài ở gần chùa, nên Ngài thường lui tới thăm viếng vãn cảnh chùa và lắng nghe những bài kinh Phật. Chùa Bùi Xá khi ấy ở chìa ra một góc làng, vắng vẻ, tĩnh lặng, ba phía trước mặt là cánh đồng rộng, những làng xóm khác ở phía xa xa, trông đến ngút tầm mắt. Mùa nước lên, cả cánh đồng là biển nước mênh mông, cá tôm bơi lội, nhưng mùa khô cạn thì thành cánh đồng nứt nẻ, tôm cá ngắc ngoải trong các vũng bùn đọng nước.
Thương cha nhớ mẹ, cảm thương muôn loài nên hàng ngày đi chăn trâu cắt cỏ vào mùa khô, Ngài thường rủ các bạn đi tát vũng bắt tôm cá, rồi đem thả ra sông Rùa ở sau làng (tức Đỗ động giang). Ngài cũng thường lấy nước ở giếng chùa Bùi Xá tắm. Ở cầu giếng này có một tảng đá to để kê, đến gần đây hãy còn ở vị trí cũ (nay đã lún sâu xuống phía đáy). Do tâm luôn hướng về cõi Phật, nên thường khi Ngài lấy đất nặn chùa, nặn bụt, rồi lấy cơm nắm làm oản để cúng lễ.
Ngài bẩm sinh khôi ngô tuấn tú, lại sáng láng, thông tuệ khác thường. Nên khi ông cậu mời thầy đồ về dạy học cho con, thì Ngài thường đứng ngoài nghe giảng và ghi nhớ trong lòng. Thấy Ngài ham học, ông thầy bèn dạy riêng cho về ban đêm. Nhờ vậy, được vài năm, Ngài trở thành người học rộng tài cao và có tấm lòng từ bi đại lượng. Mọi người xung quanh rất lấy làm kính nể.
Vào năm Hưng Long thứ 3 đời vua Trần Anh Tông (1295), khi ấy 15 tuổi, Ngài làm một bài thơ như sau:
Bát đức tài bồi tính thiện căn
Quy y nhập diệu ngã thiền môn
Tường quang tiên điểm ưu đàm nhị
Phúc quả báo hoàn bối nghiệp nguyên
Cửu phẩm liên hoa quy thức lĩnh
Thất hành đàn thụ xuất kỳ viên
Tu tri nhân quả do tâm thực
Ẩn ẩn linh đài hữu thế tôn
(Nghĩa: Tám đức vun trồng tính thiện căn
Quy y vào sáng cửa Thiền môn
Sáng trưng điểm trước hai nơi tốt
Phúc quả lại về nghiệp bối nguyên
Chín đoá hoa sen về núi Lĩnh
Bảy hàng đàn thụ xuất kỳ viên
Tâm thực luyện tu thì nhân quả
Ẩn hiện đền thiêng có Thế tôn).
Rồi từ đấy Ngài vân du bốn phương, gặp được một vị Trưởng lão 80 tuổi là Thiền sư Phạm Cốc, hiệu Đồng Nhân, đang tu ở chùa Tràng An. Chùa này có 1 gian 2 chái thuộc núi Đồng Nanh, xã Tiên Lữ.
Ở trong chùa 10 năm, Ngài tu được phép thần thông lục chí. Một lần Ngài vào chùa Hương Tích gặp Long Vương, học được phép đảo vũ (Hiện nay chùa Bối Khê vẫn còn giữ được các kinh đảo vũ (cầu mưa) khi nắng hạn).
Năm Hưng Long thứ 5 (1307) trời làm đại hạn, biết tin ở chùa Tràng An có vị Thiền sư đắc đạo, vua Trần Anh Tông bèn ra chiếu chỉ triệu Ngài về Kinh đô (Thăng Long) làm lễ cầu mưa.
Phụng chỉ, Ngài vào bệ kiến nhà vua, rồi lập đàn tràng cúng lễ. Trong 3 ngày đêm, các nơi được trận mưa to, đủ nước cho dân cấy cày.
Vua Trần Anh Tông cảm kích, phong tặng cho Ngài 4 chữ “Đức Minh chân nhân”.
Đang ở Kinh đô, nhận được tin sư trưởng quy tiên, Ngài xin về chịu tang, khi đến bến đò Đồng Dương, thì trời sẩm tối. Những người chờ đò hốt hoảng vì gần đấy có tiếng hổ gầm. Thấy vậy, Ngài liền đọc thần chú, tự nhiên có chiếc thuyền nổi lên, đưa mọi người qua sông. Mọi người khấn vái tạ ơn Ngài.
Sau ba năm chịu tang thầy, Ngài nhớ nhà nhớ quê trở về thăm viếng phần mộ cha mẹ. Ngài đốt vàng mã, lầm rầm khấn vái, tức thì mây đen che phủ, trời đất tối tăm trong suốt ba ngày, rồi sau đó hiện lên nấm đất hình chữ nhật lớn ở phần mộ của cha mẹ Ngài. Các thửa ruộng xung quanh đấy, cũng tự nhiên giãn cả ra, nên không nhà ai mất ruộng cả.
Ngài đến thăm nhà cô, cậu. Cô, cậu muốn trao trả ruộng nương (trước kia) cho Ngài, nhưng Ngài nhường lại, rồi lại lên đường, trở về chùa Tiên Lữ. Mấy năm sau, thấy ngôi chùa cũ nát, Ngài hưng công làm mới, gọi là chùa “Quảng Nghiêm” hay chùa “Trăm gian” (vì có 100 gian) bây giờ.
Trước khi làm chùa Ngài tìm một khu đất, cho người rẫy cỏ san nền, còn khu đất khác cho người làm gạch ngói, và nặn một niêu đất nhỏ. Khu đất ấy nay ở thôn Thổ Ngoã thuộc Tứ bích Tiên Phương. Ngày khởi công, thợ các nơi về trên một trăm người, và nhân dân Tứ bích cũng đến rất đông.
Gần trưa, Ngài lấy gạo cho vào niêu rồi bảo người nấu cơm. Ngài nói với thợ rằng nhà chùa chưa có thức ăn, thầy sẽ về Bối Khê xin cà và muối. Thấy vậy, thợ và mọi người đều nói: “Thầy về tận Bối Khê phải mất hàng ngày đường, chúng con chờ làm sao được”. Ngài bảo: “Thầy sẽ về ngay thôi”.
Nói rồi Ngài nhún chân, không thấy người đâu nữa. Nhưng đến lúc cơm vừa cạn, thì Ngài cũng về đến nơi. Mọi người vô cùng kinh ngạc.
Ngài đi mây về gió, không phải như người thường. Nhưng các vết chân của Ngài vẫn còn in dấu đến ngày nay, đó là các nơi Tiên Lữ, Đồng Hoàng, Thượng Thanh, Bình Đà, Bối Khê. Khi đi qua Bình Đà, một quả cà rơi ra, lún sâu xuống thành giếng Âm (các dấu tích đó, nay đều còn).
Ngài đem cà và muối bày ra đủ 100 đĩa. Lại sới cơm từ niêu ra cũng được 100 rá cơm. Thế là thành 100 mâm cơm chay, mọi người lại càng thêm kinh ngạc.
Cà ngon, cơm dẻo, mọi người ăn no không hết, vì hễ cứ vơi lại đầy. Khi làm chùa, Ngài thường đi lại trên mái kiểm tra, nhẹ nhàng không gây ra tiếng động. Ngài thường lấy nước giếng ở làng Phương Tuyền để đồ xôi đúc oản cúng Phật.
Năm 1375, Ngài 95 tuổi, cho làm một khám son để ở bên tả điện Phật trong chùa Quảng Nghiêm, rồi cho mời Tứ bích (4 làng ở Tiên Lữ) cùng các thiền tăng, tòng giả đến căn dặn:
– Nay Thầy số trời đã hết. Thầy vào khám ngồi đủ trăm ngày thì các con mở ra, nếu thấy thơm thì để nguyên đấy mà thờ, nhược bằng tanh dơ thì mang ra sau chùa an táng.
Hôm ấy là 13 tháng chạp năm Ất Mão.
Học trò và dân làng y hẹn, đến 12 tháng giêng năm Bính Thìn, mới được 3 tuần, tòng giả đã thấy mùi thơm ngào ngạt, hào quang toả sáng cả núi rừng, liền báo cho dân làng Tiên Lữ. Mọi người vui mừng, đèn hương cúng tế liền trong 3 ngày và thông báo cho dân quanh vùng biết.
Ngày 11 tháng giêng năm ấy, hai thôn Bối Khê, Hồng Khê cùng ba tổng ở Thanh Oai gồm 11 làng là : Bối Khê, Hồng Khê, Hưng Giáo, Đại Định, Lê Dương, Văn Khê, Tê Quả, Sinh Quả, Sinh Liên, Minh Kha, Phượng Mỹ, tập hợp tại chùa Bối Khê, trống rung cờ mở, lên chùa Quảng Nghiêm để rước khám Thánh về chùa. Đến nơi, Tứ bích không cho mang về (Tứ bích gồm Thượng thôn, Nội thôn, Phương Tuyền, Thổ Ngoã). Đang lúc hai bên lý sự, biện bạch thì có một ông cụ râu tóc bạc trắng chân đi guốc tay chống gậy, đến hỏi sự tình. Hai bên trình bày xong, ông cụ nói:
– Ngài là người nhị xã ba tổng lên tu ở trên này và thành Phật ở đây. Vậy nhị xã cứ rước bát phù hương về thờ là đủ.
Lời phân giải hợp lý hợp tình, hai bên thôi không tranh nhau nữa. Rồi nhận làm anh em kết nghĩa: cùng chung bát phù hương thờ Ngài. Đến nay, tục kết nghĩa vẫn còn, hai bên đều gọi nhau là “quan anh” và tự xưng là “quan em” cả.
Hôm rước bát phù hương về chùa Bối Khê là ngày 12 tháng giêng năm Bính Thìn, và mở hội mừng. Đồng thời xây một am cạnh chùa để thờ bát phù hương cùng với Thần vị.
Khách thập phương về lễ như nước chảy, cầu cho mưa thuận gió hoà và khoa danh, tài, lợi.
Hàng năm, cứ đến ngày mồng 4 tháng giêng, ngày bắt đầu thấy mùi thơm từ khám Thánh, là ngày hội chùa Tiên Lữ (hay chùa Trăm gian). Ngày 12 tháng giêng – ngày hai xã Bối, Hồng rước phù hương Thánh về thờ, là ngày hội chùa Bối.
Hội chùa Tiên Lữ đón anh cả từ Bối Khê lên.
Hội chùa Bối Khê lại đón anh cả từ Tiên Lữ xuống.
Cuối đời Trần, nhà vua hiếm muộn, nghe tin Đức thánh Bối Hồng – Tiên Lữ anh linh bèn cùng Hoàng hậu ngự giá về cầu tự. Quả nhiên về sau nhà vua sinh được hoàng tử. Vua ghi ơn, phong Ngài là: “Thượng đẳng tôn thần”, giảm tô thuế cho 3 tổng ở Thanh Oai và Tứ bích Tiên Phương. Lại phong cho hai chùa “Đại Bi” (Bối Khê) và “Quảng Nghiêm” (Tiên Lữ) lên hàng “Quốc tế”.
Cuối thời Hồ, giặc Minh sang xâm chiếm nước ta, gây bao đau thương tang tóc, lại thi hành chính sách triệt phá văn hoá tàn bạo. Năm 1814 Bình định vương Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, nhân dân cả nước vùng lên. Tháng 11 – 1426 Tổng binh Vương Thông (nhà Minh) cho hàng chục vạn quân chiếm giữ vùng Tốt động (Chương Mỹ – Hà Tây). Đi đến đâu chúng cũng chém giết dân lành, đốt phá chùa chiền. Chùa Quảng Nghiêm bị chúng đốt trong suốt 3 ngày. Nhưng chùa cháy hết mà khám Thánh vẫn còn. Bọn giặc vô cùng tức tối. Chợt có một ông cụ trong làng ra bảo:
– Muốn đốt khám Thánh phải mang ra tảng đá giữa đồng, quấn bấc tẩm dầu vào mà đốt.
Giặc Minh tin thật, làm theo. Nhưng đến khi ngọn lửa bốc cao thì bỗng chốc hoá thành trận cuồng phong, lửa khói mù mịt. Tiếp đến mây đen kéo đến, rồi mưa lớn sối sả suốt hơn ba giờ. Nước đỏ như máu đổ xuống, khiến cho cả vùng nước đỏ mênh mông, đường sá lầy lội. Giặc Minh bị bệnh dịch, chết như ngả rạ, những tên còn sống thì chân tay bải hoải, đi lại liêu xiêu. Thế rồi chúng bị quân ta tiến đánh trong trận Mai Lĩnh – Ninh Kiều. Các tướng giặc Thượng thư Trần Hiệp, Nội quan Lý Lương, Chỉ huy Lý Đằng đều bị chém chết. Tàn quân Minh chạy về Bảo Đà (Thanh Oai) đào “đấu đong quân” để kiểm điểm lại quân số. Rồi chúng kéo xuống phá chùa Bối Khê vì biết Đức Thánh quê ở đấy.
Khi bị vây hãm rồi đầu hàng ở thành Đông Quan, giặc Minh phải rút về nước. Trước khi rút, chúng cho người ở lại làm trả chùa, rồi làm pho tượng Phật Quan Âm 12 tay, rước vào chùa, xong mới ra về.
Trận “nắng lửa rồi mưa máu” xảy ra với giặc Minh làm cho chúng bị dịch bệnh, chính là do Đức Thánh hiển linh, giáng hoạ cho chúng. Dân gian gọi đấy là trận “hoả thiêu, vũ huyết”.
Đời sau có các câu đối (trong chùa Bối Khê) ghi lại sự tích này:
– Cập kỳ Bắc tặc lai xâm
Nhất trận cuồng phong vũ huyết
(Nghĩa: Đến khi giặc Bắc tới xâm lược, gặp phải trận bão lửa mưa máu)
– Bắc quốc chí kim kinh nộ vũ
Nam phương tự cổ vọng tường vân.
(Nghĩa: Giặc Bắc mãi còn kinh sợ trận mưa giận
Người Nam từ xưa vẫn tưởng nhớ áng mây lành)
Niên hiệu Thuận Thiên (1428) vua Lê Thái Tổ phong Ngài là “Thượng đẳng tối linh Đại thánh”.
Về chuyện quân Minh giấu vàng ở chùa Bối Khê
Giặc Minh trước khi rút về nước (1428) đã nhận làm trả chùa Bối Khê, do chúng đã phá từ một năm trước. Nhưng nhân đấy, chúng cũng thực hiện ý đồ thâm hiểm và tìm cách giấu vàng vào chùa (vì là đội quân thất trận, ra về dưới sự kiểm soát của quân dân Đại Việt, nên không thể mang theo vàng về ngay được).
Vì chùa Bối thờ “Tiền Phật hậu Thánh”, nên người Minh đã đặt pho tượng Quan Âm 12 tay rất lớn (so với các chùa) ở vị trí Tam bảo phía trên, chứ không phải ở vị trí giữa (như các chùa khác). Việc làm pho tượng lớn và đặt không đúng vị trí ấy nhằm hai mục đích:
– Về tâm linh, làm giảm uy tín của Thánh.
– Về cất giữ của: trong lòng tượng chứa được nhiều vàng, lại ở trên cao, nên không ai có thể nghi ngờ mà phát hiện ra dấu vết chỗ cửa để lấy vàng.
502 năm sau, vào năm 1930, những hậu duệ của người Minh thuở trước đã đến chùa Bối Khê. Họ là mấy người phụ nữ tá túc ở một gia đình cạnh chùa, hàng ngày đi mua mơ, sấu về ướp rồi đến tối vào chùa, trước thì giả vờ cúng Phật, rồi sau xin mở hội cúng lễ, múa hát nhà Phật trong chùa. Lại mời các vị chức dịch trong làng đến dự, mọi chi phí đều do họ lo liệu. Suốt trong 7 đêm liền, múa hát tưng bừng. Nhưng đến đêm thứ 8 thì họ kêu mệt, xin tạm nghỉ, mọi người cũng đều tin là thật.
Chính trong đêm thứ 8 ấy, mấy người đàn bà Tàu đã lấy vàng trước kia tổ tiên họ cất giấu, rồi chuồn thẳng.
Sáng hôm sau, nhà sư thấy nhiều dấu vết lạ trong chùa, lại hỏi đến những người khách Tàu, thì họ đã đi khỏi. Chuyện ầm ĩ lên. Các vị chức dịch và dân làng sau đó vào chùa thì thấy:
– Phía sau tượng Quan Âm cửa lấy vàng đã mở, những người Tàu lấy vàng ở trong, vội rút đi, nên chỉ khép hờ.
– Chỗ bệ đá ở giữa chùa bị cậy ra, ở trong rỗng.
– Chiếc xà dọc ở phía trên pho tượng Kim Cương có chiếc trượng (gậy) chỉ lên, là chiếc xà rỗng, đã bị bửa ra làm hai.
Như vậy là vàng để ở ba nơi trong chùa đã bị người Tàu lấy đi mất.
Đó là chuyện có thật, được truyền ngôn, chứ không phải là truyền thuyết.
Chuyện cầu tự ở chùa Bối Khê
Thời Lê – Trịnh có một bà phi của vua Lê, người làng Phượng Mỹ (xã Mỹ Hưng – Thanh Oai), đã về chùa Bối Khê cầu tự. Về sau bà sinh ra hoàng tử, được nối ngôi, còn bà thì được phong từ Hoàng Thái phi lên Hoàng Thái hậu (dân gian gọi là bà Chúa Phượng Mỹ). Nhớ công hiển ứng âm phù của Đức Thánh Bối, bà Hoàng Thái hậu đã cung tiến vào chùa một cỗ kiệu bát cống. Nghe nói kiệu này là nhà vua cho làm tặng Bà, nhưng Bà không dùng, mà đem cung tiến vào chùa. Cỗ kiệu bát cống chế tác rất công phu, sang trọng. Hiện nay vẫn còn trong chùa.
(Còn chuyện nhà vua cầu tự ở chùa Tiên Lữ, ghi trong Thần tích, là chuyện xảy ra ở thời Trần).
Chuyện Rước cầu đảo của những xã có bước chân Đức Thánh Bối
Vì khi sinh thời Đức Thánh Bối có nhiều thuật pháp thần thông, lại sau khi “hoá” Ngài đã từng hiển ứng âm phù linh diệu, nên trước kia (từ sau khi Ngài “hoá” vào cuối thời Trần) đến trước cách mạng 8/1945) hễ trong vùng Thanh Oai bị hạn hán là dân chúng lại tổ chức rước cầu đảo (còn hàng năm rước, lễ vào dịp hội làng (12 tháng giêng) là chuyện thường kỳ, để tưởng nhớ công đức, mong mưa thuận gió hoà và tránh mọi dịch bệnh). Cách thức tiến hành đại thể như sau:
Khi trời đại hạn thì mở cửa chùa (Bối) làm lễ 3 ngày 3 đêm liền. Nếu không mưa thì đóng cửa chùa một ngày, rồi lặp lại hai lần nữa. Thường thì như thế đã mưa. Nhưng nếu “quá tam ba bận” không được thì đắp 5 rồng (bằng rơm nhào đất bùn) ở sập đá trước sân chùa (nhưng phải là người họ Thái ở Bối Khê làm). Ba ngày ba đêm cúng tiếp ở chỗ năm rồng trước sân chùa. Đến đêm thứ ba không mưa thì ông thầy Thống (họ Thái) phải “khảo rồng” (hay còn gọi “tróc long”) tức là niệm thần chú rồi hét vào con rồng trắng ở hướng bắc. Thường thì tróc long là mưa. Cuối nữa, nếu không được thì Rước cầu đảo. Kiệu nhà Thánh (tức kiệu bát cống) rước khỏi làng, qua Đại Định, Tê Quả, Minh Kha, Sinh Liên, Sinh Quả, Bình Đà, Linh Dương rồi đến Thượng Thanh (tức là theo dấu bước chân đã ghi ở phần “sự tích”). Đến Thượng Thanh thì quay lại theo lộ trình cũ. Các nơi dừng lại để lễ là trước giếng Âm (Bình Đà) và trước chùa Thượng Thanh có dấu bàn chân (phải). Thời gian rước từ 3, 4 giờ chiều (lúc đi) đến nửa đêm (lúc trở về tới chùa Bối Khê).
Thể lệ: hễ đoàn rước đi đến làng nào, thì làng ấy phải đảm bảo đèn đuốc thắp sáng và giữ gìn trật tự (chứ không phải tổ chức ăn uống). Thường thì đang rước là có mưa rất to. Số các làng tham dự lên đến con số 14 (ngoài những làng đã kể trên còn có: Kim Bài, My Dương, Đàn Viên, Cao Bộ, Thạch Bích) hoặc còn nhiều hơn nữa. Có năm còn mở rộng lộ trình thêm, nhưng có hiện tượng: một năm đến một làng nhưng làng ấy không nghênh tiếp, vì thế các làng khác mưa mà làng ấy thì không. Vậy nên, đến lần sau, làng ấy lại góp “gạch tẩm dầu” và đuốc, như các làng khác.
“Đỗ động giang khai, Thanh Oai sinh thánh”
Đó là câu nói mà hầu như đến làng nào dọc theo Đỗ Động giang, từ khởi nguồn Cao Bộ, Đàn Viên đến Bình Đà, Sinh Quả… xuống Đại Định, Bối Khê rồi Văn Khê, Bùi Xá… chúng tôi cũng nghe nhắc tới cùng với câu “Thượng Cạo Bạ – Hạ Trừ, Châu” (để chỉ Đỗ Động Giang). Tuy chưa thấy tài liệu nào nói tới việc đoạn sông Đáy qua Cao Bộ xuống Cao Mật Thượng đổi dòng (để tạo thành đầm Đàn Viên, Thượng Thanh…), do vậy mà làm cho Đỗ Động Giang trở thành con sông cạn kiệt. Nhưng nếu căn cứ vào hiện tượng làng Bối Khê sinh Thánh (tức Đức Thánh Bối, đã nói trên) thì có thể cho rằng: đến cuối đời Trần hiện tượng bồi lắng ở hai nơi Cao Bộ và Cao Mật mới hoàn thành, rồi đến đời Lê, đê sông Đáy mới được hoàn chỉnh và đến đầu thời Nguyễn (vào thời vua Tự Đức) mới có sự tu bổ và nắn chỉnh (điển hình như đoạn đê ở trước đền hàng Tổng, thuộc địa phận Kim Bài, Kim Châu) như ngày nay.