Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
(Ca dao)
Vào khoảng niên hiệu Bảo Thái (từ 1/1720 đến 3/1729) đời vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương, ở huyện Phù Khang (nay là Phù Ninh – Phú Thọ) có viên Giám sinh Nguyễn Danh Cử, nhờ cúc cung tận tụy lại giỏi chạy chọt, đút lót quan trên, nên được “đặc cách”, bổ dụng chức Tri huyện Lập Thạch, trấn Sơn Tây (nay thuộc Phú Thọ).
(Xem thêm truyền thuyết Chuyện xử án như thần của quan đốc trấn Sơn Tây Hoàng Giáp Nguyễn Mại )
Vốn là kẻ tham lam xảo quyệt, nên từ khi được chức, trong địa hạt hễ xảy ra vụ kiện cáo nào, thì y thừa dịp dùng quyền cùng những thủ đoạn dã man trắng trợn, để đục khoét của cả hai bên. Nhiều nhà vì thế mà bị khuynh gia bại sản. Nhiều người vì thế mà phải tù oan, thân tàn ma dại. Dân chúng dẫu có kêu ca, nhưng do đều đặn đút lót quan trên, nên mọi hành vi của Nguyễn Danh Cử, chẳng những không bị phát giác, trừng trị, mà trái lại, đến cuối đời y còn được thăng lên chức Tri phủ.
Dưới đây, xin kể về một vụ “điều tra”, “xét xử” của tên quan vô lại này, mà người dân xứ Đoài đã lưu truyền từ nhiều đời.
Khi ấy, đang vụ cày cấy tháng 5, một kẻ thuộc hạng đàn ông vũ phu, vác cuốc đi thăm đồng. Ruộng của y tiếp giáp với ruộng nhà khác, ở đó có ba mẹ con người đàn bà đang cấy lúa. Y săm soi bờ ruộng, thấy bị chém lẹm nhiều chỗ, nên tức khí, chửi bới bên kia là tham lam. Thế rồi hai bên lời qua tiếng lại, to tiếng cãi nhau, dẫn đến xô xát. Sẵn cuốc trên tay, tên đàn ông đánh chết cả ba mẹ con người đàn bà. Xong xuôi, y chạy thẳng về nhà, trốn, không để lại tang vật gây hại.
Đến khi dân làng chạy ra, thấy cảnh tượng, chỉ còn biết đưa ba xác chết vào điếm canh gần đấy, lấy chiếu đậy lại. Một lát sau, Lý trưởng cũng đến, cho tuần đinh canh phòng tại điếm.
Vụ án mạng, trong ngày hôm ấy, được Lý trưởng cho người lên trình báo với quan huyện. Nguyễn Danh Cử lập tức cho thuộc hạ về điều tra nội vụ. Cũng trong ngày, bên bị hại có đơn trình lên, khai báo sự tình. Còn người nhà bên gây hại, thì lén lút đến nhà Lý trưởng, bàn soạn, rồi sau đó cũng kéo nhau lên huyện, đến gặp Nguyễn Danh Cử.
Viên tri huyện qủi quyệt, sau khi nhận đủ các tin tức từ cả ba phía, đã xử lý như sau: một, cử hai tên lính dõng tin cậy về canh gác tại điếm, thay cho tuần đinh, và hai, bắt người nhà bên gây hại phải nạp đủ 36 quan tiền. (Như vậy, mỗi xác chết được định giá vị chi là 12 quan tiền, nên mới ra con số này!)
Trong cái đêm mà hai tên lĩnh dõng canh phòng ấy, theo “chỉ dẫn” của Nguyễn Danh Cử, ba xác chết đã bị người nhà của bên gây hại, mang dao, kéo đến làm cho biến dạng: một xác bị cạo trọc đầu, một xác bị cắt âm vật, còn một xác thì bị xẻo mũi.
Đến sáng hôm sau, đích thân Tri huyện Nguyễn Danh Cử ngồi cáng, dẫn một đoàn thuộc hạ xuống hiện trường, có đông đủ chức dịch địa phương và dân làng đến làm chứng. Ba chiếc chiếu được mở ra, các xác chết được khám xét. Biên bản sau đó được xác lập, các đại diện và những người làm chứng, cùng ký hoặc điểm chỉ vào.
Chỉ đến lúc ấy, quân đầu huyện Nguyễn Danh Cử mới ung dung rút tờ đơn của bên nguyên ra, rồi đọc…
Đọc xong, y lập nghiêm, dõng dạc phán quyết, khiến cho hầu hết mọi người có mặt đều phải sửng sốt, sững sờ:
– Đối chiếu biên bản khám xét ba tử thi vừa nãy với đơn của bên nguyên, bản quan thấy rõ ràng là không khớp. Đây là nhà sư cùng những người con gái ban đêm đi đường bị bọn cướp cưỡng bức, rồi làm hại. Bọn này lại cho người mưu mô bàn bạc với người nhà nạn nhân, làm đơn tố giác để vu oan giá họa cho người ngay đây…
Trong lúc mọi người chưa ai kịp có phản ứng gì, thì Lý trưởng đã đứng ra, phụ họa với tri huyện:
– Chứng cứ đã rõ ràng. Ban đêm thì có lính canh phòng cẩn mật, không ai được lai vãng, nên hôm qua chết như thế nào thì hôm nay cũng vẫn như vậy thôi. Quan trên xét cho như thế là công minh lắm ạ.
Thế là chẳng ai nói được một lời nào thêm. Cho nên chỉ có tiếng khóc tức tưởi của những người nhà nạn nhân, trong khi những mũi giáo sáng loáng của bọn lính cơ, lính dõng thì chĩa lên trời, và bộ mặt lạnh lùng của huyện quan cùng bọn thuộc hạ, thì đang hằm hằm, hoàn toàn làm chủ tình thế…
Chờ một lát, cho những tiếng khóc tạm thời lắng xuống, Tri huyện Nguyễn Danh Cử lại dõng dạc phán tiếp:
– Bây giờ tử thi đã khám xét, bản quan cho phép người nhà được chôn cất ngay. Còn bọn cướp trốn chạy, bản quan sẽ cho người dò xét, truy bắt sau. Chôn cất xong tử thi, thì Lý trưởng cho người dẫn nguyên đơn lên huyện đường, để bản quan tiếp tục làm rõ mọi chuyện…
Nói xong, y vẫy bọn thuộc hạ mang cáng lại, rồi lên đường. Mấy ngày sau, y lệnh, lý trưởng cho người dẫn nguyên đơn lên huyện. Nguyễn Danh Cử sai giam người này vào ngục, với tội vu oan. Chỉ sau đó mấy ngày, trong một lần người nhà “phạm nhân” đến thăm nuôi, được cai ngục ghé tai nói nhỏ “phải có 10 quan tiền lễ quan” thì mới được tha. Người nhà đành phải nghe, và thế là người chết, tiền cũng mất theo.
*
* *
Sau nhiều năm bóp nặn dân đen và lấy lòng quan trên, Nguyễn Danh Cử được thăng lên chức Tri phủ Từ Sơn (gồm các huyện Đông Ngàn, Quế Dương, Võ Giàng, Tiên Du và Yên Phong) thuộc trấn Kinh bắc (Bắc Ninh và một phần Bắc Giang ngày nay). Ở đây lại xảy ra nhiều vụ kiện nữa mà sau đây là một vụ tiêu biểu:
Có một gia đình rất giàu có thuộc huyện Yên Phong, trước chỉ sinh được một người con gái thì đã gả cho một người trong làng. Đến năm ngoài 70 tuổi, khi người vợ chết, ông chồng lại lấy một người vợ kế, rồi mấy năm sau sinh được đứa con trai. Người con rể, do từ nhiều năm trước đinh ninh rằng mình sẽ được thừa kế gia tài, nên vác đơn đi kiện bố vợ rằng đứa con trai ấy không phải là con thật của ông ta.
Vụ án được đưa lên tới phủ. Nguyễn Danh Cử nhận 100 lạng bạc của đút của nguyên đơn, đã lên công đường ngang nhiên phán quyết:
– Từ trước tới nay, bản quan chưa từng thấy ai đã gần bát tuần lại còn sinh con cả. Nếu có chỉ là con mượn mà thôi. Vậy nên đứa con ấy sẽ không được quyền thừa kế gia tài.
Thế là người con rể thắng kiện. Ông bố vợ tức giận, vài tháng sau mang bệnh mà mất. Chôn cất ông ta xong, người vợ kế phải ôm đứa con nhỏ đi khỏi nhà.
*
* *
Do nhiều năm lợi dụng chốn quan trường để làm giàu, nên khi về hưu, tiền bạc của Nguyễn Danh Cử có tới hàng ức vạn. Y bỏ tiền bỏ của ra làm nhà cao cửa rộng và tậu thêm tới bốn chục mẫu ruộng – giàu có vào loại nhất nhì xứ Đoài. Thế nhưng, cái tiếng là tên quan tham của y, thì không tiền bạc nào có thể gột rửa được, và người ta vẫn còn truyền nhau kể về hậu vận của y như sau:
Nguyễn Danh Cử có ba con trai và một con gái. Người con trai trưởng, do thấy rõ những việc làm thất đức của bố, lại cũng không chịu được lời ta thán, nguyền rủa của người nhà các nạn nhân trong vùng, nên đã bỏ nhà, tìm đến một ngôi chùa thật xa quê, rồi xuống tóc đi tu. Người con trai thứ hai, nhờ bố chạy chọt đút lót, được làm chức cai trong đội quân bảo vệ kinh thành (Đông Quan – tức Hà Nội ngày nay), nhưng do mắc tội trêu ghẹo cung nữ, nên bị xử “cung hình” (bị thiến). Người con trai thứ ba, do được nuông chiều từ bé, về sau lại được nhăm nhe thừa kế gia tài to lớn, nên sinh ra lêu lổng, trác táng. Trong một lần say rượu gây gổ, anh ta bị hai người khác đè ra xẻo mũi mà chết.
Kết cục này, khiến người ta nhớ lại, khi còn làm tri huyện Lập Thạch, Nguyễn Danh Cử đã từng lập mưu gọt tóc, cắt âm vật và xẻo mũi ba tử thi, để làm thay đổi hiện trạng vụ án.
Duy còn người con gái, thì từ khi làm Tri phủ Từ Sơn, Nguyễn Danh Cử đã gả cho một gã cường hào ở huyện Đông Ngàn (tức Đông Anh ngày nay). Sau mấy năm về hưu, thấy gia cảnh tan nát, sợ về sau không có người nối dõi, nên Nguyễn Danh Cử cưới thêm một người vợ bé, lúc tuổi đã ngoài bảy mươi. Vài năm sau, người vợ này cũng sinh cho y một đứa con trai. Thấy vậy, gã con rể ở Đông Ngàn bèn phát đơn, kiện lên tri phủ Vĩnh Tường (vì Phù Khang, Lập Thạch thời ấy là hai huyện thuộc phủ Vĩnh Tường, trấn Sơn Tây), rằng đấy không phải là con thật của ông ta. Vụ án được lặp lại, như khi Nguyễn Danh Cử còn tại chức. Viên tri phủ Vĩnh Tường cũng ăn của đút, sau đó cũng phán quyết cho gã con rể ở Đông Ngàn thắng kiện. Còn Nguyễn Danh Cử đành phải cứng họng, vì lý lẽ mà tri phủ Vĩnh Tường vận dụng, cũng y hệt như lý lẽ của chính Tri phủ Từ Sơn Nguyễn Danh Cử trước đây!
Lại cũng giống với ông nhà giàu ở Yên Phong ngày nào, vài tháng sau Nguyễn Danh Cử do tức giận, cũng nhuốm bệnh nặng mà qua đời. Của cải của y, vì thế lại do người con rể thừa kế!
Xem thế đủ biết, ác giả ác báo xưa nay vốn là những chuyện đã từng. Và người dân xứ Đoài, từ mấy trăm năm nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện này, hẳn là cũng muốn làm lời cảnh báo với những kẻ cường hào, tham nhũng ở tất cả các thời.