Tục truyền rằng: Cũng là con do bà Tồ Cô đẻ ra, nhưng Nhữ Nương khác hẳn các chị em sinh cùng một bọc. Nhừ Nương đã thấp gầy, da lại đen trong khi ai cũng môi son má đỏ, da trắng tóc dài, thân hình đầy đặn dịu dàng nổi tiếng xinh đẹp. Lúc bình thường trông cô gái lờ đờ, ngơ ngác, tưởng như hồn vía để đi đều mất rồi. Vậy mà nhập vào cuộc hát ca, Nhữ Nương trông linh hoạt, duyên dáng hẳn lên. Khuôn mặt ngời ngời tình cảm, khi nhí nhảnh vui tươi, lúc mặn mà đằm thắm. Giọng Nhữ Nương đã trong lại ấm, như rót vào tai người nghe. Lời ca Nhữ Nương đặt ra vừa bay bổng vừa chân thực, khi ngộ nghĩnh hồn nhiên, khi thấm thía ân tình. Giọng hát, lời ca của Nhữ Nương đã tạo cho cô một khuôn mặt mới, kỳ ảo và mê đắm lòng người.
Rời nơi mẹ sinh, Nhữ Nương lưu lạc tới vùng Viêm Xá sông cầu, nhà giàu trong làng mướn cô làm người ở. Nhữ Nương lắc đầu từ chối:
– Ta tuy tứ cố vô thân, nhưng không muốn làm con chim hót tiếng đau xót trong lồng giam!
Người nghèo nhìn cảnh cô bơ vơ, nay trú ở nhà này, mai ở tạm nhà khác, thì tỏ lòng ái ngại, Nhữ Nương cười bảo:
– Ai thương ta trơ trọi đơn độc, liệu có đông bầu bạn thân thích bằng ta không? Ta có trời đất làm cha mẹ, có núi sông làm anh chị, chim bướm, hoa cỏ đều làm bạn bè … Còn ai sướng hơn ta nữa!
Ngày ngày Nhữ Nương lặn lội khắp đồng xa đồng gần mò tôm bắt cá, kiếm con cua con ốc mang về đổi lấy lẻ gạo sống qua bữa. Suốt ngày ướt sũng, lấm lem bùn đất. Nhữ Nương vẫn vui. Vừa làm nàng vừa nhẩm những câu hát chợt nghĩ ra. Có khi hứng chí, Nhữ Nương lại hát to lên một khúc. Giọng ca âm vang trên mặt sóng đồng không.
Mùa khô ruộng cạn nứt toác chăn chim. Nhữ Nương rời đồng lên núi Quả Cảm cắt cỏ gianh cỏ giàng về bán cho lò gốm ven sông. Từ những sườn đồi cỏ mọc lút đầu, tiếng ca Nhữ Nương vút lên hòa với tiếng líu lo chim ngàn, tiếng rì rào bờ sông nước chảy …
Khi ngơi công việc, bên bếp lửa quây quần bạn gái bạn trai đồng lứa tuổi, tiếng hát Nhữ nương càng say sưa, biến hóa. Người già nghe thấy trẻ lại, người trẻ nghe thấy chân tay tự nhiên gõ nhịp, miệng mấp máy hát theo. . .
Nhữ Nương thường khuyến khích các bạn trong làng:
– Cứ hát đi! Đừng ngại không có giọng. Cốt nhạc trong lòng mình muốn hát lên…
Nhà giàu trong làng lắc đầu, bực tức:
– Hát hỏng suốt ngày, còn lúc nào làm ăn được nữa!
Lời than thở, dậm dọa của nhà giàu ngập chìm trong tiếng bước chân trâu rầm rập ra đồng cày bừa, tiếng thóc ngả rào rào vào tay liềm tay hái. . .
Trai gái nhà giàu trong làng nắm tay hậm hực:
– Chả nhẽ chúng mình lại chịu lép lũ khố dây ấy ư?
phải tổ chức cuộc thi hát, cho Nhữ Nương biết tay!
Cuộc thi kéo dài, phần hơn thua chỉ trông vào cuộc đấu tài giữa Nhữ Nương và cô tiểu thư nhà giàu đầu bọn.
Vào cuộc, Cô tiểu thư ra trước. Đã xinh đẹp, tiểu thư lại trang điểm đủ thứ gấm vóc lụa là, ngọc dắt vàng đeo đầy người, trông càng rục rỡ, xúng xính chả kém gì các nàng công chúa con vua. Tiếng hát tiểu thư cất lên lảnh lót, thánh thót ngân rung… Đến lượt Nhữ Nương, đứng bên tiểu thư càng bị lấn át. Đã đen thấp, lại ăn mặc nâu sồng chân quê. Tiếng Nhữ Nương run run đưa lên nhè nhẹ, mới đầu còn như thủ thỉ tâm tình rồi đột nhiên tiếng hát vút cao lồng lộng. Khuôn mặt Nhữ Nương bừng bừng như năn nỉ, như mời gọi, mỗi lúc một thêm rạng rờ, nở nang. Đang cao vời, tiếng hát chợt lắng đi, mãi mới khắc khoải nổi vào những tiếng thở than nửa thương nữa trách, lưu luyến vấn vít. . . Người nghe nín thở, tất cả dồn sự chăm chú vào khuôn mặt linh động, kỳ ảo của Nhữ Nương. Lúc này không ai còn nhớ đến cô tiểu thư như phấn như bột kia nữa…
Dành được sự chú ý về mình, Nhữ Nương lại khéo léo chuyển sang phần hát đối. Ngay từ câu hát đầu Nhữ Nương đã làm cho đối thủ lúng túng. Lời của cô đặt ra, khi châm chọc, khi ngoắt ngoéo làm cho tiểu thư không biết đáp lại cách nào, đành đỏ mặt đứng đực ra đấy. Nhữ Nương đã thật sự làm chủ cuộc hát, với phần thắng chắc chắn về mình.
Tục truyền rằng, sau cuộc thi ấy Nhữ Nương thành người nổi tiếng khắp vùng. Trai gái các làng lân cận cũng rủ nhau thành bọn sang kết bạn với Nhữ Nương.
Một hôm trời đã nhá nhem tối Nhữ Nương cùng các bạn đang ngồi hát ở bến sông, mải mê quên cả giờ về. Đột nhiên từ dưới mặt nước vang lên tiếng hát đáp lại, giọng nam trầm sâu thẳm. Giọng hát cứ tiến lên mỗi lúc một gần hơn. Nhìn ra thấy ba người con trai hình dáng thanh tú đi tới. Cả ba đều trùm khăn thâm che kín mặt. Thấy thế, Nhữ Nương và các bạn cũng bỏ khăn vuông xuống giấu mặt đi. Rồi cuộc hát lại tiếp tục, giọng nam giọng nữ đan xen nhau, nâng đỡ nhau, hòa quyện khăng khít. Chưa bao giờ Nhữ Nương gặp người hát đối tài tình đến thế. Tiếng hát bên nam cũng như được chắp thêm cánh, chưa bao giờ thả sức phơi phới đến thế. Hát mãi, hát mãi tới khi tiếng gà gáy sáng hai bên mới chịu dùng dằng giã bạn, ba người con trai quay xuống bờ sông xin về.
Rồi cả ngày hôm ấy, Nhữ Nương như đi trên gió, đứng trên mây tâm trí lâng lâng bất định. Không hiểu những người con trai ấy là ai? Các chàng học ở đâu được những câu hát hay thế? Liệu tối nay các chàng có trở lại không? Mỗi câu hỏi đều thắc thỏm, vương vấn nỗi nhớ niềm thương. Chờ mãi đến khi chiều tối, Nhữ Nương lại rủ các bạn ra bến sông. Câu hát bên nữ vừa bắt vào trổ đầu thì từ dưới mặt nước giọng nam lại vang lên. Giọng hát cứ tiến đến mỗi lúc một gần hơn. Và ba người con trai khăn thâm trùm mặt lại xuất hiện. Cuộc hát đêm qua lại nối tiếp, càng sôi nổi, mê mải hơn.
Rồi đêm thứ ba, đêm thứ tư cũng thế. Từ đêm thứ năm trở đi, những người đi theo đều cạn bài đối đáp, chỉ còn Nhữ Nương và người con trai thường đi giữa dáng thanh tú hơn là vẫn tiếp tục hát. Tới đêm thứ chín, những người đi theo không đủ sức thức liên tục, chỉ còn Nhữ Nương và người con trai đầu bọn đọ tài với nhau thôi.
Gần cuối đêm hát, người con trai tự nhiên ngừng lại, cúi đầu Nhữ Nương hỏi:
– Chắc chàng đã mệt rồi. Thôi chúng ta tạm dừng ở đây. . .
Chàng trai thú thật:
– Đúng là phải dừng rồi. Dừng đêm nay và hàng năm nữa may ra mới lại có dịp hát với nhau. Nàng không biết đâu, tôi chính là hoàng tử con út của vua Thủy Tề. Có lần đi dưới khúc sông này nghe tiếng hát của nàng, tôi mê quá nên cố nhẩm thuộc. Rồi bao nhiêu lần nàng hát nơi bến sông này tôi cũng đều ở dưới nước lắng nghe. Dịp vừa qua vua cha có việc đi vắng nên tôi mạo muội kéo vài thủ hạ lên bờ, hát với nàng. Nay thời hạn đã hết, mà thật khó lòng giã bạn. Nàng, nếu nàng ưng thuận cho tôi kết duyên với nàng trên bờ này tôi sẽ xin được phép vua cha cho gần gũi luôn luôn với nàng. Tôi nhớ lần đầu tiên thấy nàng vừa cắt cỏ vừa hát, từng đám mây ngũ sắc đến che trên đầu…
(Đọc thần thoại Truyện Lý Vĩ đốt nhà của bộ hạ thần nước)
Lời chàng hoàng tử con vua Thủy Tề tha thiết quá, làm sao Nhữ Nương từ chối cho được, ít lâu sau, đám cưới do tiếng hát xe duyên đôi trai gái người trên cạn kẻ dưới nước được cử hành ngay trên đất Kẻ Diềm – Viêm Xá. Dân làng tôn Nhữ Nương là đức Vua Bà.
Mỗi cuộc hát quan họ đều được mở đầu bằng câu:
Thủy tổ Quan họ làng ta
Những lời ca xướng Vua Bà sinh nên…